Ngày 2.9, tờ Phistar đăng bài của tác giả Renato Cruz De Castro, thành viên Viện Nghiên cứu Stratbase Albert Del Rosario - giáo sư tại Đại học De La Salle (Philippines), nhận định về chính sách quốc phòng của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
Theo đó, ông Duterte trước khi đắc cử tổng thống từng khẳng định sẽ không tiếp tục theo đuổi chính sách hiện đại hóa quốc phòng của người tiền nhiệm - Benigno Aquino III. Tuy nhiên, trước tình hình Trung Quốc tăng cường “khoe cơ bắp” trên Biển Đông thì Philippines khó có thể dửng dưng. Chính Bộ trưởng Quốc phòng nước này Delfin Lorenzana cũng phải khẳng định Manila cấp thiết phải tăng cường quân sự, tiếp tục theo đuổi các chương trình dưới thời ông Aquino.
Cải thiện hải quân
Nhận định với Thanh Niên về năng lực quân sự của Philippines, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho rằng: “Philippines suốt nhiều năm qua vẫn chỉ tập trung vào việc bình định các lực lượng quân sự trong nước. Vì thế, Manila lâu nay hầu như chỉ chú tâm vào lực lượng trên bộ”.
Tiến sĩ Satoru Nagao, chuyên gia Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản - giảng viên ngành an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản), cũng có nhận định tương tự. Theo ông, Philippines gần như đã bỏ rơi việc phát triển quân sự trong suốt những năm 1990, và thực tế đến nay Manila không có nền tảng quốc phòng cơ bản để ứng phó với Bắc Kinh.
Tiến sĩ Nagao nhận định rằng thứ duy nhất Manila đang thể hiện được là “ý chí”. Tuy nhiên, chiến tranh hiện đại khó có thể dựa vào niềm tin ý chí. Trong khi đó, phần lớn tàu chiến của hải quân Philippines đã quá cũ kỹ. Nhận định này không hề quá lời. Bằng chứng là tàu hộ tống BRP Gregorio del Pilar, vốn được tuần duyên Mỹ hạ thủy năm 1967 và chỉ được trang bị pháo mà chẳng có tên lửa, nhưng đang đóng vai trò soái hạm, thuộc nhóm tàu chiến hiện đại của Philippines. Hỏa lực mạnh nhất của BRP Gregorio del Pilar chỉ là khẩu pháo 76 mm có tầm bắn hơn 10 km.
Vì thế, chưa cần đến những loại tàu khu trục tối tân, các khinh hạm của Trung Quốc với tên lửa có độ chính xác cao, tầm bắn lên đến hơn 100 km, thì cũng đủ khiến thủy thủ đoàn BRP Gregorio del Pilar ôm phao cứu sinh nếu hai bên đụng độ.
Để cải thiện năng lực hải quân, Manila cũng đang theo đuổi nhiều kế hoạch đóng tàu chiến mới. Ngày 2.9, tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin Công ty đóng tàu Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc đã xác nhận vừa dành đơn hàng cung cấp 2 chiếc khinh hạm mới trị giá gần 340 triệu USD cho Philippines. Loại khinh hạm này thuộc lớp Incheon của Hàn Quốc. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin đánh giá đây là bước tiến đáng kể của Manila khi lần đầu tiên sở hữu chiến hạm được trang bị tên lửa tầm xa.
Khinh hạm lớp Incheon được đánh giá khá hiện đại, ra đời năm 2011 với độ choán nước toàn tải hơn 3.000 tấn. Nó cũng trang bị gần như đầy đủ khả năng tác chiến đa nhiệm với tên lửa đối không RIM-116, tên lửa đối hạm SSM-700K Haeseong tầm bắn 160 km, ngư lôi, pháo cận chiến và pháo tầm xa 127 mm. Thế nhưng, 2 chiếc tàu lớp Incheon mà Manila mua có kèm theo những loại vũ khí nào thì vẫn chưa được tiết lộ. Hơn thế nữa, giờ đây mới bắt đầu chốt đơn hàng thì hải quân Philippines phải mất từ 3 - 5 năm nữa để có thể triển khai thực chiến 2 chiếc Incheon. Đồng thời, với 2 khinh hạm tối tân, Philippines còn phải nỗ lực không ngừng trong nhiều năm nữa mới đủ sức hiện đại hóa hải quân.
|
Nòng cốt không quân là... máy bay huấn luyện
Chẳng khác gì hải quân, không quân của Philippines thực tế cũng rất lạc hậu. Ngày 10.6, kênh CNN Philippines dẫn lời giới lãnh đạo không quân Philippines cho biết lực lượng này kỳ vọng tân Tổng thống Duterte sẽ tiếp tục chương trình phát triển không quân đến năm 2028, vốn được đề ra vào năm 2014 - dưới thời người tiền nhiệm Aquino. Tuy nhiên, chương trình kéo dài 14 năm này cũng khá khiêm tốn. Cụ thể, mục tiêu đề ra chỉ là trang bị 24 máy bay tấn công mặt đất, 2 máy bay cảnh báo sớm, 2 máy bay chống can thiệp điện tử, 1 máy bay tiếp dầu trên không và 12 chiến đấu cơ đa nhiệm.
Đến nay, trong danh sách vừa nêu, nổi bật nhất là Manila đã ký kết đơn hàng mua 12 chiến đấu cơ đa nhiệm và đã nhận 2 chiếc vào cuối năm 2015, còn lại 10 chiếc dự kiến được giao hàng vào năm 2017. Thế nhưng, 12 chiến đấu cơ đa nhiệm mà Philippines đặt mua là loại FA-50 của Hàn Quốc. Dù được phát triển từ nền tảng của F-16, nhưng FA-50 chỉ là dòng máy bay huấn luyện và được xếp vào nhóm tiêm kích hạng nhẹ, năng lực chiến đấu không được đánh giá cao. Nó có thể mang theo tên lửa và bom cùng súng máy, nhưng chủ yếu để không chiến tầm gần và tấn công mặt đất.
Loại chiến đấu cơ này không được trang bị tên lửa đối hải, nếu thực chiến trên biển, FA-50 chỉ có thể khai hỏa bằng tên lửa AGM-65 Maverick vốn chuyên dụng tấn công mặt đất. Vậy mà trong kế hoạch đến năm 2028, đây lại là chiến đấu cơ đóng vai trò nòng cốt của không quân Philippines.
Do đó, không hề khó hiểu khi tờ Phistar hồi cuối tháng 6 dẫn lời tướng Ricardo Visaya, người đến nay trở thành Tham mưu trưởng lục quân Philippines, chỉ trích việc trang bị FA-50 là lãng phí. Ngược lại, vị tướng này cho rằng Manila nên trang bị các loại trực thăng tấn công đa nhiệm, có thể tác chiến ban đêm, để kết hợp cùng số tàu chiến tấn công nhanh sẽ hiệu quả hơn.
Trước những thực tế như trên, Manila khó có thể trông chờ việc phối hợp tác chiến giữa chiến đấu cơ đa nhiệm mà nước này đang có khi xảy ra đụng độ trên biển. Trong khi đó, Bắc Kinh lại đang xây dựng một thế trận không hải liên thủ, với lực lượng chiến đấu cơ và tàu chiến hùng hậu trên Biển Đông. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, như nhận xét của giới chuyên gia, Philippines chỉ có thể trông chờ vào việc đàm phán với Trung Quốc để giải quyết bất đồng.
Trung Quốc bị nghi đang xây dựng ở Scarborough
Tờ The Inquirer ngày 3.9 dẫn lời Tổng thống Duterte phát biểu trong một lễ khánh thành cảng quốc tế diễn ra trước đó một ngày tại Davao (Philippines) cho hay dù cố gắng đàm phán với Bắc Kinh về tranh chấp trên Biển Đông dựa theo luật quốc tế, nhưng ông cũng rất quan tâm về sự xuất hiện của nhiều sà lan ở khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đã chiếm từ năm 2012. Theo đó, số sà lan có thể phục vụ cho mục đích xây dựng, bồi đắp bãi cạn trên.
Thời gian qua, dư luận thế giới liên tục lên án việc Bắc Kinh không ngừng xây dựng, bồi đắp, thậm chí quân sự hóa những thực thể mà họ đang chiếm đóng trên Biển Đông.
|
Bình luận (0)