|
Lúc 16 giờ 30 ngày 22.5, tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh bộ binh Thái Lan bất ngờ xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố tiến hành lật đổ chính phủ của đảng cầm quyền Puea Thai. Quyết định của tướng Prayuth được đưa ra chỉ 30 phút sau khi ông này không thuyết phục được đảng Puea Thai giải tán chính phủ và buộc Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsoongpaisan từ chức.
Trước khi tiến hành đảo chính, quân đội thường khống chế thủ tướng và giám sát nội các chính phủ. Tuy nhiên, lần này quân đội chưa bắt giữ Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong. Tướng Prayuth ra lệnh thủ tướng tạm quyền và nội các của ông đến nộp mình ở tổng hành dinh quân đội ngay trong tối qua nhưng hiện chưa rõ ông Niwattumrong đã trình diện hay chưa. Có nguồn tin nói ông Niwattumrong ẩn náu ở Đại sứ quán Mỹ và muốn dựa vào Mỹ để thành lập chính phủ ly khai. Tuy nhiên, hôm qua, Đại sứ Mỹ Kristie Kenny đã phủ nhận thông tin này.
Sau khi ban bố thiết quân luật, quân đội triệu tập chính phủ, các đảng phái và tổ chức chính trị đến tham vấn để tìm giải pháp giải quyết căng thẳng nhưng nhiều người cho rằng đây là cuộc “bắt nguội” của quân đội. Trước khi tuyên bố giành lại quyền lực từ tay chính phủ, quân đội ra lệnh bắt giữ tất cả lãnh đạo của phe Áo đỏ và cả phe biểu tình chống chính phủ, trong đó có ông Suthep Thaugsuban khi họ vừa kết thúc cuộc họp với quân đội. Những lãnh đạo này lập tức bị đưa vào xe của quân đội và được chở đi đâu không ai rõ. Các nhà báo trong nước và quốc tế đến đưa tin cuộc họp cũng bị đuổi ra khỏi doanh trại. Những khu vực bị người biểu tình của 2 phe ủng hộ và chống chính phủ đã bị quân đội giải tán. Hiến pháp Thái Lan cũng bị đình chỉ hiệu lực.
Người dân hoang mang
Người dân Thái có những thái độ khác nhau về sự kiện đảo chính, có người “vô tư” có người lo lắng những chuỗi ngày “đen tối” sẽ trở lại với Thái Lan. Chị Sunisa Plomsanga, làm nghề lao công, cho biết không quan tâm đến chuyện đảo chính vì đối với chị đảng nào cầm quyền cũng vậy. Tuy nhiên, chị lại lo sợ sẽ bị mất việc vì đài truyền hình chị đang làm đã bị cấm phát sóng từ mấy ngày nay. Trong khi đó, một người dân khác thì thắc mắc tại sao quân đội lại tiến hành đảo chính trong khi có nhiều giải pháp để lựa chọn. Ông Theppana, một người nghỉ hưu thì lo lắng khi nhắc đến những cuộc “đổ máu” xảy ra hồi 2008, 2 năm sau khi quân đội thực hiện một cuộc đảo chính. “Tình hình rồi sẽ tồi tệ hơn trước đây, phe chống đối sẽ làm loạn. Thái Lan rồi sẽ đi về đâu?”, ông Theppana lo lắng.
Bangkok vài giờ sau khi đảo chính chưa có dấu hiệu gì đặc biệt. Một phần vì người dân quá quen với sự kiện quân đội đảo chính, phần vì nhiều người chưa biết thông tin này. Trên một số tuyến đường trong Bangkok, người dân không có vẻ lo lắng lắm về đảo chính, vẫn đi mua sắm và ăn tối sau khi kết thúc ngày làm việc. Tuy nhiên, gần về tối không khí Bangkok bắt đầu căng thấy rõ. Như hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhiều người bấn loạn, chạy đôn đáo theo mọi ngả để tìm phương tiện giao thông, gây tắc nghẽn ở nhiều tuyến đường. Họ vội vàng trở về nhà vì lệnh giới nghiêm của quân đội liên tục bị điều chỉnh. Lúc đầu là 22 giờ tối, sau đổi 20 giờ và cuối cùng lại đổi thành 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, khiến người dân hoang mang. Tại các trạm xe công cộng đặc biệt là hệ thống tàu điện, các chuyến tàu không còn chỗ đứng cho hành khách, xô đẩy chen lấn nhau dẫn đến những tiếng la ó, không khí náo loạn trong các chuyến tàu.
Các tụ điểm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch đóng cửa sớm hơn ngày thường. Những khu phố đèn đỏ, quán bar không dám mở đèn đón khách đến “giải trí”. Các kênh truyền hình cả nhà nước và tư nhân đều bị cấm phát chương trình thường ngày, ngay cả kênh truyền hình cáp quốc tế cũng bị ngưng thay vào đó các đài phải phát trực tiếp những thông báo của quân đội hoặc chen vào đó là những bài hát ca ngợi quân đội và hoàng gia. Đêm qua quân đội bắt đầu triển khai các binh đoàn khắp Bangkok vì tin rằng bạo động sẽ xảy ra sau tuyên bố đảo chính.
Lịch sử đảo chính ở Thái Lan Thái Lan đã trải qua 12 cuộc đảo chính quân sự kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt năm 1932. 1932: Cuộc đảo chính này là bước ngoặt trong lịch sử Thái Lan. Một nhóm 4 sĩ quan quân đội được mệnh danh “Bốn chàng ngự lâm” đã lật đổ Quốc vương Prajadhipok, chấm dứt 7 thế kỷ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan, thiết lập nên chế độ quân chủ lập hiến. 1933: Thủ tướng Phraya Manopakorn Nititada bị lật đổ. Một trong “Bốn chàng ngự lâm” Phraya Phahon trở thành thủ tướng. 1947: Chính phủ của Thủ tướng Thawan Thamrongnawasawat bị lật đổ và thay thế bởi nhà sáng lập đảng Dân chủ Khuang Aphaiwong. 1951: Nhóm đảo chính chỉ định Nguyên soái Phibunsongkhram, một trong “Bốn chàng ngự lâm”, làm thủ tướng. 1957: Nguyên soái Sarit Thanarat đảo chính và nhà ngoại giao Pote Sarasin được chỉ định làm quyền thủ tướng. 1958: Nguyên soái Sarit tiếp tục đảo chính. 1971: Nguyên soái Thanom Kittikachorn trên cương vị thủ tướng tự đảo chính và giải tán quốc hội. 1976: Quân đội lật đổ Thủ tướng Seni Pramoj. 1977: Thanin Kraivichien bị chính người đưa ông lên làm thủ tướng là Đô đốc Sangad Chaloryu lật đổ trong cuộc đảo chính không đổ máu. 1991: Sau khi lật đổ Thủ tướng Chatichai Choonhavan, tướng Sunthorn Kongsompong chấp chính với cương vị lãnh đạo Vệ binh gìn giữ hòa bình quốc gia. 2006: Quân đội Thái Lan lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra khi ông này dự phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). 2014: Tướng Prayut Chan-ocha tuyên bố đảo chính sau gần 7 tháng khủng hoảng chính trị. Sơn Duân |
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Thái Lan sống trong thiết quân luật
>> Thái Lan ban bố thiết quân luật
>> Quân đội Thái Lan kiểm soát hoàn toàn Bangkok
>> Phe biểu tình Thái Lan tính bắt thủ tướng
>> Phe biểu tình ở Thái Lan chuẩn bị giải tán?
>> Thượng viện Thái Lan 'dập tắt' hy vọng của phe biểu tình
>> Quân đội Thái Lan cảnh báo sử dụng vũ lực
>> Đảng cầm quyền Thái Lan sẽ kiện tân chủ tịch thượng viện
>> Áo đỏ' chuẩn bị phản công ở Thái Lan
>> Cảnh sát va chạm phe biểu tình Thái Lan
Bình luận (0)