(TNO) Quân đội Trung Quốc sở hữu và phát triển nhiều vũ khí hiện đại nhưng lại không hùng mạnh như nhiều người nghĩ bởi binh lính yếu ớt, kém năng lực, thiếu kinh nghiệm tham chiến, bên cạnh tệ nạn tham nhũng, mua bán chức tràn lan trong quân đội, theo nhận định của các chuyên gia quân sự.
Lính Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: Reuters
|
Trung Quốc thời gian gần đây tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo trái phép nhằm bành trướng sức mạnh quân sự trên biển Đông, khiến các nước láng giềng phải lo ngại, theo The Wall Streeet Journal (Mỹ) ngày 5.5.
Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc nhận định rằng quân đội Trung Quốc không mạnh như nhiều người nghĩ.
Vũ khí hiện đại
Về tên lửa, khi Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo DF-21D vào năm 2010, các quan chức quốc phòng Mỹ lên tiếng lo ngại bởi tên lửa này có thể đe dọa các tàu sân bay Mỹ. Hải quân Trung Quốc gần đây triển khai tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18, một loại tên lửa phóng từ tàu ngầm và được đánh giá khó bị đánh chặn. Nước này cũng tiếp tục phát triển tàu ngầm, tàu chiến hiện đại…
Những động thái này cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiên quyết tăng cường hiện đại hóa quân sự để Trung Quốc trở thành cường quốc hải quân.
Theo ước tính của Quốc hội Mỹ hồi năm 2014, đến năm 2020, Trung Quốc có thể sở hữu 351 tàu ngầm và tàu chiến được trang bị tên lửa, đồng thời tiếp tục chạy đua vũ khí không gian và chiến tranh mạng.
“Trung Quốc có quá nhiều khi tài quân sự. Nhưng quân đội có thể đánh trận giỏi như thế nào? Đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”, theo The Wall Street Journal.
Binh sĩ lại yếu ớt
The Wall Street Journal dẫn lại một nghiên cứu của viện chính sách RAND (Mỹ) công bố hồi tháng 2.2015 cho thấy quân đội Trung Quốc có nhiều điểm yếu có thể làm giới hạn khả năng tham chiến của lực lượng này nếu chiến tranh xảy ra.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của quân đội Trung Quốc là binh sĩ. Theo RAND, khí tài quân sự tân tiến cần những binh sĩ được giáo dục bài bản, có đủ sức khỏe để điều khiển.
Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: Reuters
|
Tuy nhiên, điều kiện làm việc khắc nghiệt cùng lương bổng quá thấp khiến quân đội Trung Quốc khó tuyển được binh sĩ “chất lượng” và người tài thật sự.
Quân đội Trung Quốc thậm chí còn loại bỏ một số chứng bệnh tâm thần, như bệnh tâm thần phân liệt, khỏi danh sách "loại thẳng" trong quy trình tuyển dụng để tuyển đủ lính cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã làm suy yếu phổi, sức khỏe những thanh niên ở tuổi đi lính cùng các binh sĩ trẻ tuổi, theo RAND. Mặt khác, chính sách một con của Trung Quốc lại sản sinh ra những “cậu ấm” được cha mẹ cưng chiều không đủ mạnh mẽ để chịu đựng được kỷ luật, sự khắc nghiệt trong quân đội.
Tiếp đến, chính nạn tham nhũng, mua quan bán chức tràn lan đang làm suy yếu năng lực tham chiến của quân đội Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình, kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, đang nỗ lực quét sạch tham nhũng trong quân đội. Hai cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc gồm ông Từ Tài Hậu (chết vì ung thư bàng quang hồi tháng 3.2015 trước khi ra hầu tòa) và Quách Bá Hùng bị điều tra vì tội nhận hối lộ hàng triệu USD để chạy chức cho những người trong quân đội.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc kiểm soát lực lượng vũ trang đông đến 2,3 triệu binh lính, thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 19.3, thiếu tướng nghỉ hưu La Viện cho hay: “Tại sao có quá nhiều người tham lam lại được thăng tiến, giữ những chức vụ cấp cao như vậy? Liệu họ có đủ trình độ và năng lực chỉ huy lực lượng quân đội chiến đấu?”.
“Năng lực tham chiến của quân đội sẽ bị thui chột bởi vì không binh sĩ nào chiến đấu cho những lãnh đạo tham nhũng… Họ chắc chắn sẽ không tuân lệnh vị cấp trên được thăng quan tiến chức nhờ hối lộ”, ông La cảnh báo.
Trước nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội, tờ Nhật báo Quân đội Trung Quốc hôm 13.4 đã đăng bài viết cảnh báo các tướng lĩnh đừng vì lợi ích gia đình mà tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Tờ báo cũng kêu gọi các tướng lĩnh dạy dỗ con cái về những giá trị đạo đức.
Các quan chức quân đội Trung Quốc dđến Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh tham dự một kỳ họp quốc hội - Ảnh: Reuters
|
Trung tá nghỉ hưu Dennis J. Blasko, 23 năm phục vụ Văn phòng tình báo quân đội Mỹ chuyên về Trung Quốc, chỉ ra một điểm yếu khác là sự chia rẽ trong công tác chỉ huy lực lượng.
“Trách nhiệm quản lý và chỉ huy ở mỗi cấp trong quân đội Trung Quốc do quan chức quân đội và ủy viên chính trị cùng nắm giữ. Không ai biết rõ bộ máy quân đội hoạt động thế nào và quyền chỉ huy có thể bị chồng chéo trong tình huống cuộc chiến xảy ra rất nhanh”, ông Blasko nói.
Một điểm yếu khác mà chính các chuyên gia quân sự Trung Quốc thừa nhận là “căn bệnh hòa bình”. Đa số binh sĩ Trung Quốc thời nay chưa từng trải qua chiến trận thật sự.
Nhật báo Quân đội Trung Quốc hồi tháng 10.2014 cũng từng vạch ra 40 điểm yếu trong công tác huấn luyện binh sĩ khiến quân đội nước này khó có khả năng thắng trận.
Năng lực tham chiến của quân đội Trung Quốc được kiểm tra lần cuối cùng vào năm 1979, khi đó Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam và đã phải rút lui sau 1 tháng với tổn thất lớn về nhân mạng, theo Reuters.
Trong những tuần gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc nỗ lực đề cao vai trò toàn cầu của quân đội Trung Quốc, như sơ tán người nước ngoài khỏi Yemen, hỗ trợ cứu hộ nạn nhân vụ động đất ở Nepal. Động thái này của truyền thông Trung Quốc được cho là nhằm “khoe” sức mạnh “bề nổi” của quân đội Trung Quốc.
Ông Blasko cho rằng các lãnh đạo quân đội Trung Quốc có thể chọn cách tránh xung đột hơn là gây chiến, bởi vì chính họ mới hiểu rõ những điểm yếu của quân đội Trung Quốc hơn bất kỳ ai hết.
Bình luận (0)