Tên gọi của khuôn khổ mới thể hiện mong muốn đưa quan hệ song phương lên một tầm cao hơn nữa, khẳng định mục đích hòa bình và nhằm lan tỏa lợi ích hợp tác phát triển trên quy mô và phạm vi rộng lớn vượt khỏi khu vực. Sự kiện trọng đại này diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tiến trình hợp tác, hội nhập giữa hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau ở những lĩnh vực mà VN cần Nhật Bản và Nhật Bản cũng cần VN như nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp sinh học, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...; cũng như các lĩnh vực văn hóa, GD-ĐT, lao động, quốc phòng - an ninh...
Nhưng như một nhà ngoại giao VN chia sẻ, tên gọi chính thức của quan hệ VN - Nhật Bản có lẽ chưa lột tả đầy đủ mức độ hiểu biết sâu sắc và thiện cảm đặc biệt mà nhân dân hai nước dành cho nhau. Chiều kích nhân văn này là một trong những nét độc đáo của quan hệ VN - Nhật Bản. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi gặp gỡ đại diện người Việt tiêu biểu tại Tokyo hôm qua (27.11) đã chú ý đến sự có mặt của ni sư Thích Tâm Trí, Chủ tịch Hội Phật tử VN tại Nhật Bản, và không quên gợi lại mối liên hệ Phật giáo từ ngàn năm trước gắn kết Đại Việt với xứ sở Mặt trời mọc.
Phát biểu tại cuộc gặp nói trên với Chủ tịch nước, có một người trẻ là Trịnh Thành Luân (sinh năm 1998), sinh viên - thạc sĩ ĐH quốc gia Yokohama ngành trí tuệ nhân tạo. Thành Luân nhắc lại chia sẻ của GS-TS Trần Văn Thọ (ĐH Kinh tế Waseda, Tokyo): "Có thể nói một phong trào Đông Du mới đã xuất hiện, tiếp nối hoài bão, khí khái và tinh thần yêu nước của người Việt hơn 100 năm trước, thời kỳ cụ Phan Bội Châu".
Anh giải thích: "Gọi là phong trào Đông Du vì cộng đồng thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ không chỉ tập trung vào các công việc cá nhân, mà còn luôn đau đáu phát triển cộng đồng và hướng về nước nhà. Tiêu biểu là các hội thảo hỗ trợ tìm trường, hội thảo hỗ trợ tìm việc sau khi tốt nghiệp, hoạt động gây quỹ học bổng cộng đồng,… và đặc biệt nhất: Diễn đàn trí thức VN tại Nhật Bản. Qua 3 lần diễn ra, diễn đàn đã là nơi quy tụ hơn 2.800 người bao gồm giáo sư, chuyên gia, trí thức trẻ, các bạn học sinh, sinh viên VN tại Nhật để cùng thảo luận, tìm hiểu về các vấn đề tại VN và các công nghệ, kỹ thuật để giải quyết các vấn đề đó".
Đại sứ VN tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, hiện có gần 500.000 người Việt đang sống tại Nhật Bản, đây là cộng đồng nước ngoài đông thứ ba ở Nhật. Trong đó, nhiều người thành đạt trong các ngành nghiên cứu khoa học như GS Trần Văn Thọ - cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản; GS Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Metran Japan, người phát minh máy trợ thở Hummingbird; PGS Lê Thị Thanh Thủy (ĐH Y Osaka Metropolitan) - người khám phá ra vai trò bảo vệ, chống xơ, ung thư gan của gene Cytoglobin...
Như chia sẻ của anh Trịnh Thành Luân, người Việt được chính phủ và doanh nghiệp Nhật tạo nhiều điều kiện thuận lợi để làm việc trong những ngành công nghệ lõi, công nghệ cao; du học sinh Việt được cấp học bổng nhiều thứ ba so với các nước. Đó là những lý do khiến đào tạo nhân lực chất lượng cao là nội dung hàng đầu được trí thức người Việt kiến nghị đưa vào ưu tiên hợp tác với Nhật Bản.
Một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nếu được đặt trên nền tảng lấy con người làm trung tâm như vậy chắc chắn sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, trở nên đặc biệt sinh động và có sức sống bền vững vượt qua những thử thách của thời cuộc.
Bình luận (0)