Quan hệ kinh tế ASEAN-Mỹ năm 2025: cơ hội bên cạnh thách thức

03/01/2025 13:31 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC), nhận định quan hệ ASEAN-Mỹ sẽ tiếp tục tiến triển trong năm 2025, còn ASEAN có thể chủ động chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi chính sách có thể diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Quan hệ kinh tế ASEAN-Mỹ năm 2025: cơ hội bên cạnh thách thức- Ảnh 1.

Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN

ảnh: thụy miên

Điều gì chờ đợi quan hệ ASEAN-Mỹ trong năm 2025?

"Sự quan trọng của ASEAN dự kiến ngày càng được nâng tầm trong bối cảnh Đông Nam Á trở thành khu vực tăng trưởng thương mại nhanh nhất thế giới, từ đó mang đến những cơ hội làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế ASEAN-Mỹ", Chủ tịch Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017, cho biết.

Theo ông Osius, sự cam kết của Mỹ được tiếp sức thông qua những cơ chế giúp gắn kết những ưu tiên quốc gia với các mục tiêu lớn hơn ở tầm khu vực, dựa trên những khuôn khổ như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Mặt khác, do cả ASEAN lẫn Mỹ đều trải qua sự thay đổi lãnh đạo và kéo theo đó là những chuyển dịch về chính sách, Chủ tịch USABC cho rằng quan hệ song phương có thể phải đối mặt với một mức độ bất định và khó đoán. "Năm 2024, Mỹ dành nhiều sự chú ý vào Ukraine và Trung Đông, và nhiều khả năng giữ nguyên sự quan tâm này trong năm đầu tiên của chính quyền kế tiếp của ông Donald Trump. Tôi hy vọng việc duy trì tầm cam kết chiến lược như cấp độ hiện tại giữa Mỹ và ASEAN cũng được ưu tiên cao", theo ông Osius.

Thách thức - cơ hội cho quan hệ kinh tế ASEAN-Mỹ trong năm 2025?

Nhận định về năm 2025, ông Osius cho hay vẫn còn đó những cơ hội mạnh mẽ để củng cố quan hệ kinh tế ASEAN-Mỹ, do ASEAN ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. ASEAN có dân số nhiều thứ ba thế giới và nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu.

"GDP của ASEAN dự kiến tăng 4,4%/năm từ năm 2023 đến 2028, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh chỉ thua Ấn Độ. Sự tăng trưởng ấn tượng như thế sẽ cung cấp nhiều cơ hội tăng cường kinh doanh và đầu tư giữa ASEAN và Mỹ. Các công ty Mỹ tiếp tục xem ASEAN là thị trường chiến lược, thể hiện qua sự gia tăng đầu tư vào dịch vụ tài chính, kinh tế số, năng lượng, chăm sóc y tế, hậu cần và cơ sở hạ tầng", theo người đứng đầu tổ chức đại diện 180 công ty kinh doanh lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng với xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đang trên đà gia tăng ở Mỹ, những nước có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ - như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và có thể là cả Indonesia -có thể đối mặt sự xem xét kỹ lưỡng hơn từ Mỹ sau khi ông Trump quay lại Nhà Trắng từ ngày 20.1. Thái độ này có thể gây ảnh hưởng cho các động lực kinh doanh của khu vực.

Theo Chủ tịch USABC, tầm quan trọng của ASEAN nên được cân nhắc ở tầm rộng hơn, chứ không nên chỉ thông qua lăng kính mất cân bằng thương mại. USABC vừa phát hành báo cáo tựa đề "ASEAN Matters for America/America Matters for ASEAN", trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của quan hệ ASEAN-Mỹ "mạnh mẽ và năng động trên bình diện toàn cầu".

Theo báo cáo, hoạt động kinh doanh và đầu tư của ASEAN hỗ trợ hơn 625.000 việc làm trên khắp nước Mỹ. Có đến 17 trong số 50 tiểu bang có hơn 10.000 việc làm dựa vào hoạt động xuất khẩu đến ASEAN. Là tiếng nói dẫn đầu lĩnh vực tư nhân của Mỹ, USABC thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư cùng có lợi giữa Mỹ và ASEAN, đồng thời nâng cao tầm quan trọng của quan hệ kinh tế song phương.

Quan hệ kinh tế ASEAN-Mỹ năm 2025: cơ hội bên cạnh thách thức- Ảnh 2.

Điểm bầu cử Mỹ tại Washington D.C hôm 5.11.2024

ảnh: thụy miên

Vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy Quan hệ đối tác Chiến lược ASEAN-Mỹ?

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đánh giá, cùng với Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore, Việt Nam có thể tiếp tục đảm nhận vai trò tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Mỹ (CSP) trong năm 2025.

Theo ông Osius, là đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Việt Nam có lợi thế để tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-Mỹ xuyên suốt các lĩnh vực then chốt: từ hợp tác chính trị đến an ninh, từ kinh tế đến quan hệ nhân dân. Và trên vai trò là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam cũng có thể làm sâu sắc hơn sự hợp tác trong những lĩnh vực sẵn có trong quan hệ giữa khối vối Mỹ, như kinh doanh, kỹ thuật số, an ninh mạng, năng lượng, y tế và khoa học cuộc sống, dịch vụ tài chính, trí thông minh nhân tạo, chuỗi cung ứng bền bỉ.

Bên cạnh đó, nhà cựu ngoại giao còn cho rằng Việt Nam và mở rộng hơn nữa là các nhà hoạch định chính sách ASEAN có thể tập trung củng cố việc tiếp cận và tăng cường đối thoại với các đồng nghiệp Mỹ, từ cấp quốc hội, thống đốc đến các quan chức địa phương, cũng như củng cố quan hệ với cộng đồng kinh doanh Mỹ.

Chủ tịch USABC cũng cho rằng ASEAN nên nỗ lực nhiều hơn nữa để cân bằng quan hệ thương mại với Washington, chẳng hạn như tìm cách giảm thặng dư thương mại, tăng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ.

Theo ông Osius, bằng cách thực hiện các bước chủ động này, Việt Nam và ASEAN có thể chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi chính sách tiềm năng dưới thời chính quyền Trump, từ đó định vị ASEAN là một khối kinh tế thống nhất, mạnh mẽ, có khả năng hợp tác hiệu quả Mỹ trong khi bảo vệ các lợi ích riêng của khối.

Ưu tiên hợp tác Việt-Mỹ trong năm 2025

Cựu Đại sứ Mỹ Osius cho rằng dựa trên nền tảng vững chắc của sự tin tưởng và thấu hiểu song phương suốt 30 năm qua, Mỹ và Việt Nam nên tiếp tục tăng cường hợp tác để triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt-Mỹ năm 2023.

Theo ông Osius, "hai bên nên ưu tiên các hoạt động trao đổi phái đoàn cấp cao, đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tạo đột phá chiến lược trong quan hệ song phương".

Cơ hội dưới thời chính quyền Trump

Ngay sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2024 với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, các chuyên gia đều nhận định một trong các điểm sáng dưới chính quyền ông Trump đó là triển vọng thương mại có thể tốt hơn. "Tôi cho rằng đối với những quốc gia quan tâm đến các thỏa thuận thương mại, chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ mang đến triển vọng tốt hơn trong việc chốt lại những thỏa thuận này", theo bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI), trụ sở Washington D.C.

Bà Cutler chỉ ra Tổng thống đắc cử Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên theo đuổi các thỏa thuận thương mại và hoàn tất một số thỏa thuận đáng chú ý như Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada, Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật. Bên cạnh đó, đội ngũ của ông Trump cũng tập trung vào nỗ lực đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. "Vì thế, đối với các đối tác thương mại châu Á, tôi cho rằng điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội", lãnh đạo ASPI nhận định, nhất là trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nhìn vào châu Á để đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của mình.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.