Quan họ của tôi

12/02/2012 03:20 GMT+7

Hồi nhỏ tôi theo trại sơ tán về một làng nhỏ gần TX.Bắc Ninh. Làng có cây cầu đá bắc qua một nhánh sông Cầu, có hồ sen, đình làng cổ kính... Thời chiến, những năm ấy không có Hội Lim nhưng tôi vẫn được nghe quan họ từ các ông bà, các chị, khi làm việc nhà, lúc nghỉ tay trên đồng, cả khi vất vả đắp đê hay đào công sự.

Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát Hội… (Nguyễn Trọng Tạo)

Hồi nhỏ tôi theo trại sơ tán về một làng nhỏ gần TX.Bắc Ninh. Làng có cây cầu đá bắc qua một nhánh sông Cầu, có hồ sen, đình làng cổ kính... Thời chiến, những năm ấy không có Hội Lim nhưng tôi vẫn được nghe quan họ từ các ông bà, các chị, khi làm việc nhà, lúc nghỉ tay trên đồng, cả khi vất vả đắp đê hay đào công sự.

Sau này tôi được biết về những lễ hội quan họ nổi tiếng vùng Kinh Bắc như: Hội Lim, hội Ó, hội Diềm, hội Nhồi... Đây là những làng quan họ gốc có quy mô lớn và đặc sắc bởi văn hóa quan họ gắn chặt cả phần lễ và phần hội. Tục lệ của các làng quan họ quy định chặt chẽ: Quan họ phần lễ là để thờ Thần, thờ Phật; Quan họ phần hội là để quan họ nam, nữ của các làng đến tham dự hội hát đối đáp giao duyên, vui chơi giải trí. Mỗi phần có những điệu hát khác nhau không được hát bừa, nhất là trong phần lễ.

Từ nhiều năm nay Hội Lim được tổ chức lại. Trong những ngày hội, có lẽ phần hấp dẫn nhất chính là quan họ hát đối đáp giao duyên với nhau. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhờ hát đối mà dân ca quan họ đã có sự phát triển vượt bậc cả về làn điệu và lời ca, cho đến nay đã sưu tầm được gần 400 làn điệu và gần một nghìn lời ca.

Quan họ giao duyên có sức quyến rũ đối với cả người lần đầu nghe quan họ không chỉ vì giai điệu mà có lẽ chủ yếu vì lời ca ngọt ngào đầy tình cảm thể hiện tâm trạng yêu đương, nhớ nhung, đằm thắm, da diết, quyến luyến của những lứa đôi, nỗi day dứt của những mối tình “liền chị - liền anh” không đến được với nhau như quy ước của quan họ, là sự sẻ chia niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của một người gửi cho một người... Mỗi lần vào hội là mỗi lần quan họ gặp nhau, trao nhau sự trân quý lòng ngưỡng mộ... để rồi tan hội ra về đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa..., đi xa rồi vẫn còn văng vẳng người ở đừng về...

Khi “Quan họ Bắc Ninh” mới trở thành những tiết mục nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu thì ít nhiều nó còn truyền được tâm trạng này cho người nghe, nhưng khi đã vào “phục vụ” trong nhà hàng quán ăn thì tâm thức này nhạt phai hẳn... Mỗi lần nhìn thấy “quan họ” như thế, tôi lại nhớ về không gian văn hóa quan họ nguyên sơ với phong cảnh làng quê và tâm hồn giản dị mà tinh tế của những liền anh liền chị gửi gắm trong giai điệu mượt mà, sâu lắng…

Bây giờ quan họ Bắc Ninh (đúng ra phải là cả vùng quan họ Kinh Bắc gồm Bắc Ninh và Bắc Giang) trở thành Di sản văn hóa thế giới thì việc tăng cường bảo tồn quan họ rất được chú ý, trong đó có việc truyền dạy quan họ cho thế hệ sau. Đã có nhiều gương mặt “liền anh liền chị” tuổi thiếu niên nhưng thuộc nhiều bài quan họ, giọng ngọt luyến láy hay. Nhưng sao cứ mỗi mùa lễ hội những làn điệu quan họ lại mất dần cái hồn mà chỉ còn phần xác…

Đã vậy, mùa xuân năm nay, tại Hội Lim lại có đến 3.500 người nam phụ lão ấu cùng “đồng ca” quan họ thì hỡi ôi, người yêu quan họ đến mấy cũng phải thốt lên quan họ ở chúng em ra về... và như bạn tôi, quê gốc Bắc Ninh, chua xót nói: muốn nghe quan họ đừng về Hội Lim.

Bảo tồn quan họ đâu chỉ là việc nhiều người biết hát quan họ? Mà nó còn là bảo tồn không gian văn hóa quan họ, từ cảnh quan lễ hội đến phương cách trình diễn. Bảo tồn di sản văn hóa mà còn mang nặng tư duy hình thức như theo phong trào xác lập kỷ lục không biết để làm gì hay những cuộc bầu chọn không thực chất, thì sẽ chỉ phát sinh những việc làm hủy hoại di sản văn hóa mà thôi.

Nguyễn Thị Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.