Nghỉ dịch, khách gọi hối bán lại
Sáng sớm, như thường lệ, bà Nguyễn Thị Bích Liên (57 tuổi) trang điểm kỹ, diện một bộ bà ba thật đẹp đứng trước quán hủ tiếu mì của mình trên đường Nguyễn Văn Lịch (P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM) để bán. Từ ngày 1.10, khi TP.HCM bắt đầu những ngày “bình thường mới”, bà chủ hồ hởi mở cửa, quán ăn lại đỏ lửa đón những vị khách quen lẫn khách lạ.
Bà Liên vui mừng vì sau hơn 4 tháng nghỉ dịch, bà được bán trở lại |
CAO AN BIÊN |
Quán bà có một lượng khách ổn định, đều đặn tìm tới mỗi ngày |
CAO AN BIÊN |
Phía trước, là một sợi dây được giăng giữa hai chiếc ghế nhựa cùng một chiếc bàn để giao nhận hàng nhằm tuân thủ 5K. Hôm nay (7.10), đều đặn từng lượt khách đến quán của bà Liên để mua, từ hủ tiếu mì, mì tươi đến bánh canh tùy sở thích…
Cùng 3 người thân trong nhà tất bật làm món để kịp gửi sớm cho khách, bà nói được bận rộn, làm không kịp thở như vậy là hạnh phúc. Suốt 4 tháng qua, khi quán đóng cửa, bà cùng các nhân viên (chủ yếu là người thân) ở yên một chỗ. Hơn 30 năm mở tiệm, hiếm khi nào bà dừng bán lâu đến vậy. Nhiều lúc nhớ nghề, nhớ khách, nhưng bà cũng “bấm bụng chịu” vì không thể làm gì hơn.
Kể về việc mặc áo bà ba đứng bán, bà Liên nói đó là di nguyện của người mẹ quá cố |
CAO AN BIÊN |
Khách đến mua mang về |
CAO AN BIÊN |
“Mình nhớ khách, mà khách cũng nhớ mình. Hồi đợt cuối tháng 9 khi hàng quán được bán mang về lại, nhưng phải đảm bảo nhiều tiêu chí, khách quen gọi tôi liên tục hỏi bán lại chưa, bán lại đi. Lúc đó, tôi muốn lắm chứ nhưng không có nguyên liệu ngon thì làm sao bán được, tìm được nguyên liệu ưng ý tôi mới bán chứ không bán đại được”, bà chủ tâm sự.
Thời điểm đó, phía trước đường Nguyễn Văn Lịch là rào chắn kín mít nên dù bán lại được bà cũng đành “bó tay” vì khách không thể vào mua. Đến ngày 1.10, khi TP.HCM bắt đầu nới lỏng cũng là ngày bà mừng rỡ trở lại với công việc vì chợ mở, rào chắn gỡ bỏ.
Có khách mua một lần 25 phần
2 ngày đầu mở bán, khách lạ, khách quen hàng dài đứng trước quán của bà để mua, bà chủ cùng các nhân viên làm “không kịp thở” dù đã đoán trước là có nhiều khách. Để đảm bảo giãn cách, chủ quán cho biết chỉ nhận một lượng khách nhất định.
Hiện tại, lượng khách đến quán đã ổn định. Có khách mua 25 phần mang đi |
CAO AN BIÊN |
Theo bà Liên, hầu hết khách đến mua trong ngày đầu đều gọi 7 - 8 phần mang về, thậm chí có người mua tận 25 phần. Thấy nhiều người mua với số lượng lớn trong khi những nguyên liệu ngày đầu hạn chế, bà cũng khuyên khách nên mua giảm xuống để người đến sau cũng có phần.
“Giãn cách quá lâu nên người ta thèm nhiều món, tôi cũng nghĩ là khách sẽ nhớ và tìm tới quán của mình nhiều. Mấy bữa đầu tôi bán buổi sáng là hết sạch, chừng 120 phần/ngày. Sau đó lượng khách bắt đầu ổn định hơn, tôi bán đều đặn chứ giờ nghỉ lâu có ai làm ra nhiều tiền đâu mà mua hoài”, bà tâm sự.
Quán bà Liên nổi tiếng là quán "hủ tiếu mì đắt nhất Thủ Đức" vì phần hủ tiếu cao nhất từng có giá 120.000 đồng/tô |
CAO AN BIÊN |
Quán được khách gắn bó vì sạch sẽ, món ăn ngon và bà chủ vui tính |
CAO AN BIÊN |
Quán ăn của bà Liên nổi tiếng là “quán hủ tiếu mì đắt nhất Thủ Đức” vì có thời điểm bà bán cho khách một tô hủ tiếu với giá 120.000 đồng, tô bình thường cũng dao động từ 50.000 đồng - 70.000 đồng tùy nhu cầu. Tuy nhiên, mùa dịch bà không tăng giá, không giảm khẩu phần dù giá nguyên liệu mua vào có tăng so với trước kia. Bà cũng bán thêm những phần ăn bình dân cho khách.
“Bình thường mới”, bà Liên cho biết mình chỉ bán được 50% so với trước dịch, tuy nhiên được trở lại với công việc đã gắn bó với bà hơn nửa đời người cũng đã là niềm vui lớn. Như một thói quen khó bỏ khi đứng bán, bà trang điểm kỹ càng, mỗi ngày mặc một bộ bà ba trong tủ đồ hơn 30 bộ của mình cũng góp phần tạo nên đặc trưng cho quán ăn này. Bà chủ hy vọng thời gian tới Sài Gòn sẽ sớm trở lại như ngày trước.
Ghiền hủ tiếu bà Liên
Sáng nay, khách ghé quán bà Liên đa phần là những “mối ruột” suốt mấy chục năm, nhiều người còn sống gần nhà vì ghiền hương vị hủ tiếu của bà nên ngày nào cũng ghé. Hơn 30 phút có mặt tại quán, chúng tôi bất ngờ vì nhiều người cầm sẵn tô đến đến mua như một thói quen thường nhật.
- Bà Liên ơi cho tôi 1 tô hủ tiếu mì đầy đủ như cũ!
- Ok! 30 giây!
- Lát mang qua nhà luôn nha!
- Ừ chị về đi!
Khách quen mang sẵn tô tới mua |
CAO AN BIÊN |
Bà Tiên là khách ruột của quán hơn 15 năm nay |
CAO AN BIÊN |
Bà Hà Thị Phượng (60 tuổi) sáng sớm đã cầm một cái tô lớn để ở cái bàn trước quán rồi gọi món. Vì nhà sát quán ăn này nên từ ngày mở lại, hầu như ngày nào bà Phượng cũng cầm sẵn tô qua để mua rồi nhờ nhân viên quán mang qua tận nhà. Là khách quen của quán bà Liên mấy chục năm nay, bà Phượng nói mình bị “ghiền” cái hương vị nước dùng, từ hủ tiếu mì, mì, bánh canh, món nào bà cũng thích. Mỗi ngày, bà ăn một món.
“Lúc bả nghỉ bán thì thèm thôi rồi, vậy nên mấy ngày nay ngày nào cũng mang tô qua đây. Hết dịch ngồi ăn tại chỗ nói chuyện với bà ấy luôn thì vui”, bà Phượng cười.
Dù chi phí có tăng, bà chủ quyết không tăng giá vì thương khách |
CAO AN BIÊN |
Lát sau, bà Lê Thị Thủy Tiên (57 tuổi) cũng đi từ xa lại quán với chiếc tô trên tay. Bà cũng mua một phần mì về nhà để ăn sáng vì ăn ở đây hơn 15 năm cũng đã quen rồi, không bỏ được.
Bà Tiên cho biết giá cả ở đây không phải quá rẻ nhưng chất lượng món ăn thì không bàn cãi và “muốn mua giá nào bà chủ chiều giá đó”, do vậy mà quán hủ tiếu mì này còn mở là bà còn mua. Cứ như vậy, từng lượt khách cứ đến rồi đi mang theo những phần hủ tiếu ở quán bà Liên đến cơ quan, về nhà những ngày TP.HCM “bình thường mới”.
Bình luận