Bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại; cúm A cũng manh nha đe dọa... trong khi hệ thống phòng chống bệnh dịch còn nhiều điều đáng lo.
|
Hôm qua, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh trường hợp bệnh nhi La Nguyễn Thanh Ngân qua bài Xung quanh trường hợp đầu tiên mắc cúm A tại Việt Nam, cán bộ của Viện Pasteur TP.HCM cùng chính quyền và y tế Q.12 mới đến gia đình cháu Ngân để điều tra chi tiết hơn về dịch tễ.
Trong khi đó, anh Vinh, bố bé Ngân, nói: “Cháu Ngân ho, sốt hồi tháng 4.2011, đưa vào khám, điều trị ngoại trú ở Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, bác sĩ có lấy mẫu đàm xét nghiệm. Đến 27 và 28 tết Nguyên đán, cán bộ của Viện Pasteur TP.HCM có đến gia đình tôi ở Long An thông báo kết quả cháu Ngân nhiễm cúm A/H3N2 và hỏi, ghi nhận một số thông tin, rồi hẹn sau tết sẽ đến nơi gia đình tôi tạm trú ở Q.12, TP.HCM để thông báo, hướng dẫn thêm một số điều gì đó, nhưng cả tháng sau tết không thấy ai đến...”.
Đọc báo mới biết
Chúng tôi biết được trường hợp bệnh nhi Ngân ở Q.12 khi đọc Báo Thanh Niên |
||
Một cán bộ Trung tâm y tế dự phòng Q.12 |
||
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nói: “Tùy trường hợp, Viện Pasteur thông báo ca bệnh với địa phương trước, hay báo cáo với Cục Y tế dự phòng trước, nhưng trong mọi trường hợp đều phải có trách nhiệm hướng dẫn địa phương xử lý ổ dịch. Nếu ca bệnh nguy hiểm dễ lây lan thì Viện giúp y tế tại địa phương chủ động phòng, có biện pháp xử lý ngăn chặn lây lan. Còn trường hợp nhẹ, chưa ghi nhận diễn biến nguy hiểm như với bệnh nhi 2 tuổi nói trên cũng cần nói rõ để người dân yên tâm”.
Theo ông Bình, trong phòng chống dịch, y tế là đơn vị đưa ra các biện pháp, còn chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện. Nếu địa phương nào chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì dịch giảm.
Dịch bệnh tái diễn
Lập 17 đoàn kiểm tra, giám sát dịch tay chân miệng Trong tuần này, sẽ có 12 đoàn giám sát về y tế dự phòng và 5 đoàn giám sát công tác điều trị của Bộ Y tế đi giám sát tại các tỉnh thành, đặc biệt tập trung vào các tỉnh có số mắc bệnh tay chân miệng cao trong thời gian gần đây như: Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Tháp, An Giang, Đắk Lắk, Kiên Giang, Hậu Giang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng. Bộ Y tế sẽ xem xét mở rộng điều trị bằng thuốc Gamma-Globuline - mở rộng thêm tuyến điều trị được sử dụng thuốc này để chữa trị cho những ca bệnh nặng. |
Có mặt tại Trung tâm Sản - Nhi Đà Nẵng ngày 21.2, chúng tôi nhận thấy các bác sĩ khoa Y học nhiệt đới phải làm việc hết công suất. Đến 11 giờ 30, vẫn còn nhiều người bồng con đứng chờ đến lượt khám và làm thủ tục nhập viện. Bệnh nhân không chỉ đến từ các quận, huyện của Đà Nẵng mà còn của Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Mặc dù số giường bệnh tại khoa Y học nhiệt đới chỉ có 25, nhưng với số bệnh nhân tăng gấp 4 lần (107 bệnh nhân), Trung tâm Sản - Nhi phải kê thêm 45 giường bệnh và hơn 30 giường xếp dọc hành lang. Một y tá phải chăm sóc đến 15 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Vệ sinh - Dịch tễ Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng, nhìn nhận bệnh tay chân miệng trong khu vực miền Trung đang có chiều hướng diễn tiến phức tạp, tăng nhanh trong 2 tuần qua, nhiều nhất vẫn là Đà Nẵng (61 ca) và Quảng Nam (hơn 60 ca)...
Trước đó, tại cuộc họp phòng chống dịch bệnh chiều 20.2, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cũng cảnh báo: “Những tháng đầu năm 2011 không ghi nhận trường hợp mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng, trong khi năm nay bệnh xuất hiện ngay từ đầu năm với hơn 6.000 ca mắc, 9 ca tử vong chỉ trong 6 tuần qua. Bệnh này hiện nay cũng không chỉ do một loại vi rút gây ra, có khả năng đồng loạt nhiều loại vi rút đường ruột khác nhau nên mới kéo dài như vậy. Trong năm qua, ngành y tế đã huy động nguồn lực chống dịch khá nhiều, song dịch bệnh lại có xu hướng gia tăng ngay đầu năm nay. Vậy cần xem xét, liệu việc đầu tư đã thực sự chuẩn xác hay chưa, công tác giám sát bệnh dịch ở cơ sở đã kịp thời chưa“.
Thanh Tùng - Liên Châu - Diệu Hiền
Bình luận (0)