Chuyện tài xế sử dụng chất kích thích, nghiện ma túy không phải là chuyện mới. Nó được nhắc nhiều trên các diễn đàn về an toàn giao thông và cũng đã từng được báo chí đề cập sau vụ tai nạn xe khách thảm khốc ở cầu Sêrêpốk, Đắk Lắk hồi năm ngoái.
Cái mới ở đây chỉ là, lần đầu tiên tình trạng lái xe nghiện ma túy được thống kê và cảnh báo chính thức từ một cơ quan quản lý chuyên ngành - Sở GTVT Hải Phòng. Việc buông lỏng quản lý đối với các doanh nghiệp vận tải, trong đào tạo, sát hạch và quản lý lái xe được cho là nguyên nhân chính khiến tai nạn giao thông gia tăng nghiêm trọng. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là đến nay nó chỉ dừng lại ở nhận định trong các báo cáo, phát biểu của lãnh đạo trong các hội nghị về an toàn giao thông, ít trở thành những biện pháp chấn chỉnh trong thực tế.
Ngay cả con số 217 tài xế bị đình chỉ vì nghiện ma túy mà Hải Phòng công bố cũng không khiến dư luận yên tâm về sự nghiêm minh của cơ quan quản lý. Bởi lẽ, cho đến giờ, cơ quan chức năng Hải Phòng vẫn còn nợ dư luận rất nhiều câu hỏi liên quan đến con số 217: nghiện trước hay sau khi được cấp giấy phép lái xe và kinh doanh vận tải, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ quan cấp phép ra sao khi để lọt lưới quá nhiều và quá lâu những “cỗ máy giết người” như vậy...
Không trả lời những câu hỏi như thế (hoặc không thể trả lời?) khiến người ta nghi ngờ về tính nghiêm minh của việc rà soát và chất lượng của hoạt động quản lý. Khi không nhìn từ căn nguyên gốc rễ thì vấn đề thường không có cơ hội được giải quyết. Chẳng hạn, lâu nay cứ hễ tai nạn xảy ra, lỗi đầu tiên được xem là của tài xế, rồi đến người tham gia giao thông; trách nhiệm của cơ quan quản lý thường không được đề cập. Trong khi chất lượng tài xế kém, xe không đạt tiêu chuẩn, người tham gia giao thông thiếu tôn trọng luật lệ suy cho cùng đều là sản phẩm của quản lý lỏng lẻo, chiếu lệ.
Kinh doanh vận tải bằng ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng thử hỏi bao nhiêu phần trăm các điều kiện ấy được đảm bảo tuân thủ bởi các hoạt động hậu kiểm. Hay như báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, có tới 90% số xe vận tải hành khách thường xuyên chạy quá tốc độ, tuyệt đại bộ phận lái xe khách chạy 10 giờ liên tục (trong khi luật chỉ cho phép chạy 4 giờ liên tục), nhưng việc xử phạt lái xe thì tùy vào “thái độ” khi gặp lực lượng xử lý trên đường, chưa từng có doanh nghiệp bị rút giấy phép do sử dụng lái xe không đủ tiêu chuẩn, tuyển dụng lái xe dễ dãi.
Siết chặt quản lý từ các khâu trước như: quản lý các doanh nghiệp vận tải, quản lý về chất lượng đào tạo lái xe, cấp phép kinh doanh vận tải mới là giải pháp gốc gác giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông, sau đó mới đến xử phạt những vi phạm khi tham gia giao thông. Nếu vẫn không biết ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm (giải trình và giải quyết) việc để 217 tài xế nghiện ma túy, ngoại trừ việc cấm hành nghề họ, thì vấn nạn mới được phát hiện này sẽ cứ là bài toán chưa có lời giải.
An Nguyên
>> Tài xế nghiện ma túy, quá nguy hiểm !
>> Đình chỉ hàng trăm tài xế nghiện ma túy
Bình luận (0)