Quản lý chuỗi nhà thuốc bán lẻ giúp nâng cao chất lượng thuốc

22/10/2024 10:55 GMT+7

Tại Việt Nam, các hệ thống chuỗi nhà thuốc bắt đầu định hình rõ nét, đặt ra yêu cầu bổ sung quy định về chuỗi nhà thuốc, nhằm thống nhất cách thức quản lý; nâng cao chất lượng thuốc được phân phối.

Cần quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chuỗi nhà thuốc

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), so với thị trường dược phẩm thế giới - nơi nhà sản xuất và phân phối thường là các đơn vị độc lập nhằm tập trung hóa chuyên môn, hệ thống phân phối thuốc tại Việt Nam có đặc thù với cấu trúc phức tạp và sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm các thành phần tham gia chính như sau: (i) các doanh nghiệp phân phối thuốc chuyên nghiệp; (ii) các công ty dược vừa sản xuất hoặc nhập khẩu, vừa phân phối; (iii) hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc.

Tại Việt Nam, luật Dược năm 2016 đã có chính sách để phát triển hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc tại Khoản 9 Điều 7 như sau: "Khuyến khích chuyển giao công nghệ trong sản xuất thuốc; phát triển mạng lưới lưu thông phân phối, chuỗi nhà thuốc, bảo quản và cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân". Tuy nhiên điều kiện, cũng như quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh chuỗi nhà thuốc chưa được quy định cụ thể.

Hiện, các hệ thống nhà thuốc đang từng bước trở thành một mô hình đặc thù trong chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam. Trong đó, chuỗi nhà thuốc lớn nhất có quy mô hơn 1.000 nhà thuốc.

Quản lý chuỗi nhà thuốc bán lẻ giúp nâng cao chất lượng thuốc

Cục Quản lý dược nhận định, hoạt động chuyên môn hóa, dự kiến sẽ nâng cao chất lượng thuốc hơn nữa

ẢNH: LIÊN CHÂU

Đề xuất một số quy định đặc thù

Cục Quản lý dược đánh giá, các hệ thống chuỗi nhà thuốc đang phát triển mạnh theo chiều rộng hoặc tập trung chiều sâu, chuyên môn hóa cao. Tuy nhiên, các nhà thuốc trong chuỗi hiện nay vẫn được hoạt động riêng lẻ, khá độc lập, dẫn đến tăng chi phí cho quản lý hành chính và doanh nghiệp.

Việc bổ sung quy định cụ thể về chuỗi nhà thuốc nhằm thống nhất cách thức quản lý; nâng cao tính chuyên môn hóa và hiện đại hóa hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc.

Dự kiến, một số quy định đặc thù cơ bản của chuỗi nhà thuốc mà các cơ sở bán lẻ độc lập được nêu tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược năm 2016 như:

Về cơ cấu tổ chức: chuỗi gồm 2 phần cấu thành cơ bản là cơ sở tổ chức chuỗi và các nhà thuốc trong chuỗi.

Về điều kiện: chuỗi nhà thuốc hoạt động theo cơ chế quản lý thống nhất, tất cả các hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi do doanh nghiệp tổ chức chuỗi chịu trách nhiệm; quy định cụ thể điều kiện của cơ sở tổ chức chuỗi và điều kiện của các nhà thuốc trong chuỗi.

Về quyền và trách nhiệm: Cơ sở tổ chức chuỗi quản lý toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc cung ứng, lưu thông, tồn trữ bảo quản thuốc và các dữ liệu của các nhà thuốc trong chuỗi; chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi; Cùng với đó, các nhà thuốc trong chuỗi phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng hệ thống chất lượng thống nhất do cơ sở tổ chức chuỗi đặt ra, chỉ được bán lẻ các thuốc do cơ sở tổ chức chuỗi cung cấp.

Để tương ứng với trách nhiệm trên, dự thảo luật Dược cũng quy định quyền của cơ sở tổ chức chuỗi với những quyền lợi trực tiếp như:

Được luân chuyển thuốc giữa kho trung tâm với các nhà thuốc và giữa các nhà thuốc có phạm vi kinh doanh tương đồng trong chuỗi. Việc luân chuyển thuốc do dược sĩ phụ trách chuyên môn của doanh nghiệp tổ chức chuỗi điều phối;

Được luân chuyển người phụ trách chuyên môn của các nhà thuốc trong chuỗi và chỉ cần thông báo tới cơ quan quản lý chứ không cần làm thủ tục đề nghị cấp lại/điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Các quyền lợi này giúp cơ sở tổ chức chuỗi hoạt động linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng thuốc và chất lượng phục vụ.

Nâng cao chất lượng thuốc

Việc hoạt động chuyên môn hóa, dự kiến, sẽ nâng cao chất lượng thuốc đáng kể (ví dụ như cho phép điều chuyển thuốc giữa các nhà thuốc trong chuỗi sẽ hạn chế được tình trạng thuốc chậm luân chuyển dẫn đến không đáp ứng về hạn dùng, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc).

Do yêu cầu quản lý thống nhất trong toàn hệ thống của chuỗi nên các cơ sở bắt buộc phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Việc này rất có lợi cho việc truy xuất thông tin về nguồn gốc của thuốc, quản lý thông tin khách hàng giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.

Dự kiến, khi các chuỗi nhà thuốc được hình thành sẽ tạo ra động lực cạnh tranh, đòi hỏi các nhà thuốc truyền thống phải cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo cung ứng, tăng khả năng tiếp cận thuốc cho người dân với giá cả hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.