Quản lý đối phó

29/09/2014 03:00 GMT+7

Chỉ sửa 2 chữ trong thông tư, giá thuốc bệnh viện đã giảm được 35% - là tiết lộ của một “người trong cuộc” khi được hỏi về những bất cập kéo dài trong quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực.

Có rất nhiều việc, nhiều vấn đề không phải quản lý nhà nước không biết, hoặc thiếu cách giải quyết mà chỉ là thiếu sự quyết tâm, thiếu nhiệt tình giải quyết công việc vì lợi ích chung.

Trong phiên họp toàn thể chiều 25.9, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai thẳng thắn gọi tên nó là “quản lý đối phó”. Chẳng hạn, theo bà Mai, luật Khám chữa bệnh (có hiệu lực từ năm 2010), giao Bộ Y tế hướng dẫn quy định khám chữa bệnh từ thiện, nhưng đến năm 2014 Bộ Y tế vẫn chưa ban hành. “Thế nhưng vài ngày sau sự cố làm 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật khe hở môi - hàm ếch ở Khánh Hòa thì Bộ Y tế ban hành ngay quy định”. Và sự “kịp thời” ấy, khiến người ta nghĩ đến sự đối phó.

Tương tự là câu chuyện chuyển giao quyền đưa người nghiện đi cai bắt buộc từ UBND cấp huyện sang TAND cùng cấp, kể từ ngày 1.1.2014. Bảy tháng, chỉ có 33/204.377 người nghiện được đưa đi cai bắt buộc, là con số quá nhỏ, đe dọa an ninh trật tự xã hội. Nhưng câu chuyện đáng nói nhất chính là, cho đến thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn đang tranh cãi về trình tự thủ tục và trách nhiệm trong việc chậm trễ ban hành hướng dẫn. Từ Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế, công an, tư pháp đến TAND, đều nói việc chậm đưa người nghiện đi cai nghiện là do thủ tục “phức tạp”. Nhưng không cơ quan nào nói được cụ thể phức tạp là như thế nào? Do quy định luật pháp phức tạp, hay sự phối hợp khi triển khai có vấn đề?

Khắp nơi hướng dẫn, bộ nào cũng ban hành văn bản, địa phương nào cũng “hướng dẫn”, thành ra, cho đến tận bây giờ, một Thứ trưởng Bộ Tư pháp khi được hỏi tại Ủy ban Các vấn đề xã hội, cũng ú ớ, không biết, hiện để đưa một người đi cai nghiện thì cần 29, 13 hay 43 biểu mẫu!

Lâu nay, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, khiến pháp luật chậm đi vào cuộc sống, được viện bởi nhiều nguyên do; nhưng kết quả giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách tại 2 bộ LĐ-TB-XH và Y tế công bố tuần vừa rồi cho thấy một thực tế khác: tiền ngân sách nhà nước được các bộ, ngành dùng phần lớn để chi cho đề án, dự án, không cân đối với phần chi cho quản lý hành chính. Trong khi nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên, “nhiệm vụ chính của bộ phải là quản lý nhà nước”.

Bộ mà mải “chia tiền” để làm đề án, dự án, còn sức đâu mà làm thông tư, nghị định để giải quyết kịp thời, triệt để các vấn đề xã hội phát sinh. Có hay không sự lơ là này là do thực tế, kinh phí định mức chi cho một nghị định/thông tư khoảng từ vài chục đến vài trăm triệu, còn một đề án, một chương trình mục tiêu thì tiêu cả nghìn tỉ?

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.