Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất quản lý gái mại dâm bằng phần mềm của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HN là khó khả thi, và "chẳng có gì thay đổi".
Khó quản lý gái mại dâm khi họ hoạt động trá hình - Ảnh: Công Nguyên
|
Bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, bày tỏ: “Tôi chưa hiểu ý của Công an Hà Nội định quản lý để làm gì. Nếu như họ thấy rằng, cần phải chấm dứt tình trạng mại dâm “bắt cóc bỏ đĩa”, đuổi chỗ này “bùng” chỗ kia, lập phần mềm để quản lý nhằm mục đích đảm bảo trật tự xã hội, đảm bảo quyền công dân, quyền con người cho những người bán dâm hơn, tôi hoàn toàn ủng hộ. Còn nếu vì mục đích khác, thì cần phải bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách khách quan”.
Theo bà Hải Oanh, quy định của pháp luật xử lý mại dâm là xử lý hành vi mua, bán. Những người vi phạm bị lập biên bản, xử phạt và lập hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, những người có hồ sơ quản lý rất ít. “Lập danh sách để quản lý người vi phạm thì từ trước đến nay chúng ta vẫn làm đấy thôi. Nếu vẫn là quản lý theo cách làm này thì chẳng có gì thay đổi, có khác chăng chỉ là thay vì quản lý trên giấy tờ, giờ đưa quản lý trên máy tính”, bà Oanh nói.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, ý tưởng quản lý người bán dâm bằng phần mềm mà Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội) đưa ra rất khó khả thi. Theo ông Hòa, hiện nay tại Việt Nam, mại dâm phần lớn hoạt động trá hình dưới nhiều dạng khác nhau, từ núp bóng cơ sở massage, cắt tóc, gội đầu, đến quán karaoke… Chưa kể, người bán dâm thường xuyên thay đổi khu vực hoạt động.
Ông Hòa chia sẻ: “Ở Việt Nam, mại dâm chưa được thừa nhận là một nghề và cũng chẳng ai dại gì thừa nhận mình là người bán dâm. Công an Hà Nội cho rằng, đưa phần mềm vào quản lý sẽ tốt hơn, theo tôi lập luận này chưa thể thuyết phục. Đề xuất này muốn thực hiện được trước hết phải xác định được người hành nghề mại dâm là ai? Một khi Việt Nam không thừa nhận mại dâm là một nghề, nếu cứ tiếp tục “tranh tối, tranh sáng” như hiện nay thì không thể quản lý được. Việc lập phố nhạy cảm, khu vực đèn đỏ đưa ra bàn còn chưa ngã ngũ thì việc đề nghị đưa phần mềm để quản lý gái mại dâm xem ra rất khó khả thi”.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), đây là mới ý tưởng của Phòng cảnh sát hình sự, chưa phải là đề xuất được Sở LĐ-TB-XH và UBND TP.Hà Nội phê duyệt, nên rất khó để đưa ra ý kiến vào lúc này. Tuy nhiên, ông Lập cho biết: “Tôi cũng chỉ nghe qua báo chí, chưa biết hình hài phần mềm này thế nào, trình bày thế nào, họ quản lý về lĩnh vực xã hội, tội phạm hay an ninh trật tự... Chúng tôi là cơ quan quản lý, chỉ khi nào có đầy đủ thông tin, có nghiên cứu, đánh giá, có tờ trình của địa phương, lúc đó chúng tôi sẽ có ý kiến”.
Trước những ý kiến cho rằng, việc đưa phầm mềm quản lý gái mại dâm đồng nghĩa với việc thừa nhận mại dâm hành nghề để quản lý, ông Lập cho rằng, hiện vấn đề có thừa nhận mại dâm mới chỉ là những ý kiến được đưa ra thảo luận. Việc Hà Nội muốn lập phần mềm quản lý gái mại dâm cần phải xem lại một cách cụ thể nghiêm túc và đầy đủ thông tin.
Bình luận (0)