Theo dự thảo, khi tăng, giảm giá sữa trong phạm vi 5% thì doanh nghiệp (DN) gửi thông báo cho cơ quan quản lý (Bộ Công thương hoặc Sở Công thương). Hoặc nếu tăng, giảm liên tiếp mà cộng dồn lại vượt hơn 5% thì DN thực hiện thủ tục kê khai giá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến DN cho rằng, quy định “giảm liên tiếp” mơ hồ, không xác định được khoảng thời gian bao lâu nên khó áp dụng. Thứ nữa, trong một năm, giá sữa luôn có biến động về giá thành, nếu quy định tăng trên 5% phải kê khai giá thì DN nào cũng phải làm việc này, không cần đưa ra quy định nữa. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng nhận xét nhà quản lý sẽ gặp vướng mắc khi xử lý DN tăng giá “liên tiếp”. Vị đại diện Sở Công thương TP.HCM nêu ý kiến: “Ví dụ, tuần thứ nhất DN tăng 2%, tuần thứ 2 tăng tiếp 2%. Tổng cộng 2 tuần liên tiếp chỉ 4%, không cần kê khai. Nhưng sang tuần thứ 3 tăng 2% nữa. Trong 3 tuần tăng tổng cộng 6% thì có kê khai không, có coi là liên tiếp không?”.
Ông Arnaud Renard, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu - Eurocham, góp ý dự thảo của Bộ Công thương đã làm sai luật Giá. Cụ thể, luật Giá quy định việc kê khai giá là chỉ cần nộp thông báo cho cơ quan quản lý mà thôi, trong khi quy định trong dự thảo thông tư thì phải đăng ký giá, phải xin phép. Nhỡ cơ quan quản lý không đồng ý, thì DN không thể áp dụng giá đó. Như vậy liệu cơ quan quản lý nhà nước có can thiệp sâu vào quyền định giá của DN không? Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư - ông Nguyễn Lộc An cũng thừa nhận trước đây luật Giá đã “bị hở” khi quy định chỉ không khai quá 15%, vậy là DN cứ xin tăng đến 12 - 14%. Vấn đề này ban soạn thảo nhận tiếp thu chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện.
Bình luận