Quản lý giáo dục nghề nghiệp cần quy về một mối

29/11/2014 06:35 GMT+7

Việc luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua mà không giải quyết được vấn đề mấu chốt, bận tâm nhất của các đối tượng liên quan đến hệ thống giáo dục này khiến dư luận cảm thấy băn khoăn.

  

Sinh viên một trường CĐ nghề trong giờ thực tập
Sinh viên một trường CĐ nghề trong giờ thực tập - Ảnh: Mỹ Quyên

Tất cả những ý kiến các bên liên quan mà phóng viên Thanh Niên ghi nhận đều đi đến một kết luận: Nếu không quy về một mối quản lý nhà nước cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì sẽ để lại nhiều hệ lụy cũng như không giải quyết được những khó khăn lâu nay của bậc học này. 

Chính phủ nên có quyết định phù hợp

Mong muốn chung là nên giao ổn định cho một bộ quản lý về giáo dục dạy nghề. Nếu đại biểu đồng tình cao thì việc giao cho bộ nào quản lý sẽ được ghi vào luật. Nhưng không làm được điều đó thì trách nhiệm cuối cùng là Chính phủ phải khẳng định được giao cho Bộ nào. Điều này cũng bình thường chứ không phải như các quy định khác là Quốc hội phải quyết định dứt khoát. Về quản lý nhà nước thì trách nhiệm giao cho bộ nào quản lý là trách nhiệm về công tác điều hành của Chính phủ và trên thực tế thì luật Dạy nghề hiện hành thực hiện theo điều đó. Vấn đề đặt ra là Chính phủ phải có trách nhiệm nghiên cứu thật kỹ và đưa ra quyết định phù hợp. 

Đào Trọng Thi
(Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Có sự quản lý thông suốt sẽ giải quyết những bất cập

Thực tế đòi hỏi Chính phủ phải quyết định giao quản lý thống nhất về giáo dục nghề nghiệp; đảm bảo xây dựng một xã hội học tập liên thông, thống nhất cơ chế đầu tư cho đào tạo nghề nghiệp. Từ trước đến nay, việc phân bổ nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều bất cập. Việc đầu tư cho hệ thống các trường CĐ, TCCN trong hơn một thập kỷ nay không bằng hệ thống các trường dạy nghề. Khi Chính phủ thống nhất giao cho một cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ giải quyết được điều đó, việc phân bổ kinh phí sẽ phù hợp, cân đối hơn. Khi thống nhất giao cho một bộ thì việc quản lý dạy nghề không bị rối như hiện nay; kiểm soát chứng chỉ văn bằng quốc gia thống nhất trong hệ thống GD-ĐT, tránh tình trạng do nhiều cơ quan cấp bằng nên khó quản lý, kiểm soát như hiện nay.

Hoàng Ngọc Vinh
(Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)

Để cả 2 bộ quản lý gây phân tán, chồng chéo

Từ nay cho đến tháng 7.2015 khi luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, việc quản lý dạy nghề vẫn được thực hiện như cũ, không có sự thay đổi. Để luật đi vào thực thi, từ nay đến lúc đó, cả 2 bộ sẽ phải tổ chức nhiều hội thảo, nghị định, thông tư hướng dẫn... Việc giáo dục nghề nghiệp để ở 2 bộ gây nhiều bất cập, phân tán, chồng chéo trong quản lý, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo… Hợp nhất về một bộ là điều chúng tôi mong muốn từ nhiều năm nay.

Dương Đức Lân
(Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH)

Tin vui mà tôi vẫn thấy... lo

Việc Quốc hội không xem xét vấn đề này nữa trong kỳ họp lần này tôi cho đó là một tin vui. Theo tôi, có thể các cơ sở đào tạo thuộc quyền quản lý của các bộ khác nhau nhưng quản lý nhà nước về hoạt động GD-ĐT thì chỉ nên có một bộ. Việc để cho 2 bộ cùng quản lý như bây giờ là điều không hay, nhưng nó còn đỡ tệ hại hơn nếu nhập về một đầu mối Bộ LĐ-TB-XH.

Dù vậy tôi vẫn thấy buồn. Kết quả bỏ phiếu là 34% nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB-XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 29,4% đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT. Đáng lý một chuyện hiển nhiên ai cũng có thể nhận thấy là Bộ GD-ĐT thì đảm đương việc quản lý nhà nước mảng đào tạo nghề nghiệp. Còn năng lực của Bộ hạn chế thì phải tăng cường năng lực.

Lê Viết Khuyến
(nguyên Phó vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT)

Cần một cơ quan quản lý có đủ chức năng

Quốc hội là cơ quan lập pháp mà lại không quyết định được cơ quan quản lý nhà nước hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Mọi thứ dường như tiếp tục bế tắc. Để sáp nhập, chuyển giao hoàn tất cả hệ thống này không hề đơn giản với xấp xỉ ngàn trường CĐ, TCCN, CĐ nghề, TC nghề như hiện nay. Cần phải chỉ định một cơ quan quản lý có đủ chức năng nhiệm vụ về đào tạo, có kinh nghiệm về giáo dục đào tạo, thì mới mong chất lượng được đảm bảo”.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành
(Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt)

Khó định hướng để phát triển

Nếu không chỉ ra được một cơ quan quản lý nhất định để chịu trách nhiệm thì rất khó để định hướng, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Không cẩn thận sẽ diễn ra tình trạng các trường tự làm, mỗi nơi một cách, lung tung và thiếu nhất quán. Khi quản lý không được sẽ dẫn đến chất lượng đi xuống. Nên giao hệ thống giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT vì bộ này có chức năng, nhiệm vụ để làm việc đó”.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa
(nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM)

Chất lượng đào tạo là mối quan tâm hàng đầu

Nếu cứ loay hoay mãi không xác định được bộ nào sẽ quản lý thì khác nào lại quay về như cũ. Như vậy, mặc dù đã hợp nhất để chỉ đào tạo một chương trình thì hệ thống hàng ngàn trường CĐ, trung cấp sẽ vẫn dàn trải, không tập trung như trước. Trong khi điều quan trọng nhất là phải tập trung nguồn lực để đẩy mạnh chất lượng. Doanh nghiệp chỉ quan tâm đến chất lượng đào tạo chứ không quan tâm tới bằng cấp do cơ quan nào cấp. Do đó, giao cho một cơ quan nào có đủ chức năng, nhiệm vụ và kinh nghiệm quản lý rồi tập trung nguồn lực để hợp nhất, phát triển, là điều quan trọng nhất trong lúc này”.

Thạc sĩ Trần Thanh Hải
(Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông)

Có nên thông qua vội?

Luật được thông qua một cách vội vàng dù thiếu thống nhất từ các đại biểu Quốc hội. Những thay đổi trong luật Giáo dục nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm cơ sở giáo dục đào tạo và hàng trăm ngàn con người. Trong khi, hệ thống giáo dục nghề nghiệp này bị “treo” lơ lửng cho Chính phủ quản lý, sẽ chẳng khác nào một gia đình nhiều con thiếu đi sự quản lý của cha mẹ. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang được thiết kế rất mông lung. Người học không nhìn thấy được tương lai tươi sáng khi chọn con đường này, nên cứ đổ xô vào học ĐH nên dẫn tới tình trạng thất nghiệp tràn lan ở bậc ĐH và sau ĐH.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng
(Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Không thực hiện được các chính sách lớn của nhà nước

Đưa giáo dục nghề nghiệp về một đầu mối và ban hành luật Giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, tôi cho rằng nên đưa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH về một cơ quan quản lý nhà nước. Nếu để 2 cơ quan quản lý thì sẽ tạo ra các hệ lụy sau:

Không thực hiện được một chủ trương quan trọng của nhà nước là phân luồng học sinh phổ thông, đặc biệt là bậc THCS. Cứ như hiện nay, một bộ quản lý giáo dục phổ thông đương nhiên sẽ phải tập trung lo làm tốt nhiệm vụ của mình là thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT. Còn bộ quản lý dạy nghề sẽ không quan tâm tới việc nhận luồng. Các trường dạy nghề hiện nay chủ yếu tuyển học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy bên phân không phân, bên nhận không nhận thì sẽ không bao giờ phân luồng được.

 Không thực hiện được chủ trương đào tạo liên thông giữa các trình độ. Hiện nay 2 bộ ban hành 2 bộ chương trình khung theo các phương pháp và cấu trúc khác nhau nên không thể liên thông với nhau được. Vì vậy, 2 bộ đã nhiều lần gặp gỡ thỏa thuận nhưng thực tế vẫn không thực hiện đào tạo liên thông được.

Không đào tạo được một đội ngũ lao động kỹ thuật đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ. Thực tế nhiều năm qua cho thấy vì có 2 bộ quản lý nhà nước về đào tạo nên mạnh ai nấy làm, và xảy ra tình trạng có 2 quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, có 2 kế hoạch đào tạo khác nhau dẫn đến tình trạng đào tạo nhân lực ở nước ta ngày càng mất cân đối nghiêm trọng. Mặt khác, mục tiêu chung của Nghị quyết 29 là phải xây dựng một hệ thống giáo dục mở, mềm dẻo linh hoạt, liên thông, hiện đại, để chuẩn bị cho việc học suốt đời cũng sẽ không thực hiện được.

Nếu đưa về một đầu mối, theo tôi, đưa về Bộ GD-ĐT hợp lý hơn vì sẽ thống nhất được các chủ trương chính sách quốc gia về GD-ĐT từ giáo dục phổ thông đến nghề nghiệp và  giáo dục ĐH đồng thời có nhiều thuận lợi hơn trong việc thực hiện phân luồng HS sau THCS và đào tạo liên thông giữa các trình độ.

TSKH Nguyễn Minh Đường
 (Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực)

Tuệ Ngọc Hằng - Hà Ánh Quyên (ghi)

>> Đào tạo người thầy mà Bộ LĐ-TB-XH quản lý là không hợp lý
>> Bộ LĐ-TB-XH sẽ đào tạo giáo viên?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.