Theo mô tả của một cán bộ dự cuộc họp khẩn giải quyết vụ khăn lụa “hàng VN” made in China hôm 29.10, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã “rất giận” trước báo cáo vụ việc “hời hợt, thiếu trách nhiệm, giống một bản tường trình của đối tượng hơn là một bản báo cáo của cơ quan chức năng” từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội.
Nhưng đáng tiếc, ông Trần Tuấn Anh cũng sẽ chẳng thể làm gì ngoài “nổi nóng” vì, Chi cục QLTT tiếng là ngành dọc của Cục QLTT, Bộ Công thương nhưng việc quản lý từ biên chế, khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, đến cơ sở vật chất, điều kiện thi hành công vụ lại thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Phản ứng của Bộ Công thương trong vụ Khaisilk được cho là kịp thời và “đúng bài”, nhưng đáng tiếc, mức độ xử lý và kết quả đến đâu, giờ phụ thuộc vào Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Trên thực tế, không chỉ chuyện chiếc khăn Khaisilk “bị lộ” mà hằng ngày, bước ra khỏi cổng là chúng ta đã có thể gặp hàng giả, hàng nhái dễ dàng. Hiếm thấy ở đâu hàng giả, hàng nhái lại được bày bán công khai như ở VN, ngay trước mắt QLTT. Sự bất lực ấy của QLTT có chỉ đơn thuần đến từ bất cập trong tổ chức bộ máy như kể trên hay không? Chắc chắn là không.
Theo quy định, mỗi năm lực lượng QLTT và liên ngành lại luân chuyển địa bàn, kiểm tra chéo các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thế mà hàng giả, hàng nhái, hàng lậu vẫn ngang nhiên bày bán khắp hang cùng ngõ hẻm thì kể cũng lạ. Một doanh nghiệp lớn thú nhận bán hàng Trung Quốc gắn mác VN đã… 30 năm cho đến khi bị người tiêu dùng phát hiện (mà không phải cơ quan QLTT hay bảo vệ người tiêu dùng!). Bí mật có lẽ nằm ở chỗ như anh Phan Tú, một chủ kinh doanh cửa hàng ở Q.Đống Đa, Hà Nội nói: “Dù là kinh doanh nhỏ, nhưng nếu không “chăm sóc” tốt lực lượng chức năng thì không thể tồn tại được”.
Thế nên, phải tổ chức lại lực lượng QLTT theo hướng “tập trung”, khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe” là cần thiết. Nhưng có lẽ việc của ông Bộ trưởng Công thương sẽ khó khăn hơn nhiều là chuyện thành lập Tổng cục QLTT với các chi cục trực thuộc. QLTT “về một mối” chỉ có giá trị khi ngành công thương dám tuyên bố sẽ xây dựng lực lượng QLTT liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi tiếp tay, “chống lưng” cho buôn lậu và gian lận thương mại. Hãy xóa bỏ đi mặc định rằng, QLTT thường chỉ “vào cuộc” mạnh tay khi có dư luận, báo chí lên tiếng về một vụ việc gian lận thương mại nào đó.
Bình luận