Quản lý thị trường xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp quá nhiều

30/07/2024 14:37 GMT+7

Các nghị định quản lý thị trường xăng dầu có tuổi thọ ngắn và nút thắt lớn nhất là giá, khi Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp quá nhiều việc, sử dụng công cụ hành chính để áp đặt nên có lúc phi thị trường.

Đó là chia sẻ từ chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tại buổi tọa đàm chủ đề: Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 30.7, tại Hà Nội.

Quản lý thị trường xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp quá nhiều- Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, thị trường xăng dầu phải có cạnh tranh về giá bán để người tiêu dùng được hưởng lợi

CỔNG TTĐT CHÍNH PHỦ

Không can thiệp giá bán, điều tiết bằng chính sách

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước liên tục biến động là phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.

Khi giá xăng dầu thế giới đang chiếm 65 - 77% cấu thành giá xăng dầu trong nước; thuế, phí khoảng 12%; chi phí kinh doanh định mức (xác định trên báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp) từ 7,5 - 11%, ngoài ra còn yếu tố cấu thành giá khác. Theo đó, giá xăng trong nước chịu tác động nhiều nhất từ giá xăng dầu thế giới.

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, Nhà nước có vai trò lớn trong điều hành giá. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc lớn vào giá thế giới nhưng quản lý nhà nước lại dùng các công cụ hành chính để áp đặt sẽ không đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp. Thực tế đã xảy ra tình huống, khi không còn lợi ích nữa, doanh nghiệp lảng tránh trách nhiệm, báo hết xăng dầu, đóng cửa hàng.

Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, thị trường xăng dầu đang có "chính sách cào bằng", không tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Công cụ điều hành giá đầu tiên là thông qua giá cơ sở. Thị trường xăng dầu hiện nay có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp, các công ty kinh doanh của Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng giá bán xăng trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở và do Nhà nước điều hành. Như vậy thực chất, giá xăng dầu bán ra trên thị trường do Nhà nước quyết định. Các công cụ điều hành: giá cơ sở, thuế, quỹ bình ổn là đang dùng sức mạnh của ngân sách chứ chưa sử dụng được sức mạnh công cụ thị trường.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay trong nước đã chủ động sản xuất được lượng xăng dầu khá lớn là yếu tố để có thị trường xăng dầu cạnh tranh.

"Giá xăng dầu thế nào thì để doanh nghiệp tự xác định, Nhà nước không can thiệp nhưng có công cụ để điều tiết bằng chính sách về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập. Để thị trường xăng dầu cạnh tranh thì việc mua bán phải tự do, chứ không thể quy định để bắt người này đi mua của người kia thì không thể có giá cạnh tranh được", ông Cường nói.

Tính giá xăng dầu theo chuẩn quốc tế, trả lại nguyên tắc thị trường

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, từ năm 2003 với quyết định đầu tiên là Quyết định 187 về việc tổ chức kinh doanh xăng dầu, đến nay Chính phủ đã xây dựng 5 nghị định để hoàn thiện cơ chế quản lý, tổ chức kinh doanh xăng dầu, gồm các nghị định; 55, 84, 83, 95 và gần nhất là Nghị định 80 nhưng vẫn liên tục phải sửa đổi do vẫn còn rất nhiều bất cập.

Trong đó, nút thắt trong tất cả các nghị định vừa qua cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. Nhà nước quy định kỹ quá, phải xác định giá, như vậy là đang làm thay cho doanh nghiệp.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, công thức tính giá xăng dầu hiện nay tham chiếu giá quốc tế đã có công bố, không nên phụ thuộc vào báo cáo từ các doanh nghiệp. Vì hiện nay, giá cước tàu, chi phí phụ phí, bảo hiểm, tỷ lệ hao hụt, chi phí lưu thông... đều đã công khai, công bố quốc tế và chỉ nên chừa lại một tỷ lệ nhất định thuộc quyền quyết định của doanh nghiệp.

"Một trong những vấn đề mấu chốt trong nghị định kinh doanh xăng dầu tới đây là trả lại nguyên lý, nguyên tắc trong cơ chế thị trường. Trước hết là công thức tính giá phải đầy đủ các chi phí theo thông lệ quốc tế chứ không nên căn cứ theo chi phí từ doanh nghiệp chỉ nên chừa lại room 15% cho doanh nghiệp tự quyết định", ông Bảo nói.

Cũng theo ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu hiện nay trước hết phải sử dụng các công cụ thị trường, công cụ hành chính chỉ là cuối cùng.

"Chỉ khi đã sử dụng hết công cụ thị trường rồi, Nhà nước thấy vẫn cần tiếp tục bình ổn giá xăng dầu thì áp dụng công cụ hành chính", ông Nam nói.









Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.