Quán nhậu, karaoke nhiều nơi vẫn đón khách 'xả láng'

27/03/2020 07:00 GMT+7

Bước vào giai đoạn mầm dịch tiềm ẩn trong cộng đồng, cách ly xã hội được xác định là biện pháp hữu hiệu nhất, ít tốn kém nhất.

Nhiều địa phương đã yêu cầu đóng cửa các cơ sở dịch vụ, hàng quán đông người, nhưng việc thực hiện này chưa nghiêm.
Để phòng dịch Covid-19, từ ngày 21.3, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo việc tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí trên địa bàn. Song theo ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Đà Lạt, tuy có lệnh cấm nhưng vẫn có quán karaoke hoạt động.
Cụ thể, 2 quán karaoke Sơn (cùng một chủ) trên đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Công Trứ (TP.Đà Lạt) ngang nhiên hoạt động. Sau 2 lần được nhắc nhở và cảnh cáo, đến lần thứ ba, 2 cơ sở này tiếp tục vi phạm và đã bị các cơ quan chức năng xử phạt 15 triệu đồng.

Việt Nam có 153 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi công bố 5 ca mới

Còn tại TP.HCM, chiều 26.3, PV Thanh Niên ghi nhận ở khu vực Q.Bình Tân, phát hiện nhiều quán cà phê, quán nhậu vẫn “thả cửa” đón khách. Trên đường số 7 (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân), một số quán cà phê dọn dẹp bớt bàn ghế để hạn chế lượng người vào quán ngồi; trong khi nhiều quán khác lại sắp xếp ghế, khách khứa vẫn ra vào, tụ tập “tự nhiên như ngày thường”.
Cũng trên đường số 7 (P.Bình Trị Đông B), quán ăn hải sản M.G.N vẫn thản nhiên xếp ghế và bắt đầu đón khách lai rai từ đầu giờ chiều (26.3). Trong vai khách cần đặt chỗ số lượng lớn để tổ chức sinh nhật, PV giật mình khi nhân viên quán vẫn gật đầu đồng ý. “40 khách hả anh trai? Chuyện nhỏ chứ gì đâu, giờ anh kêu trước vài món để tụi em làm; uống bia gì để tụi em ướp lạnh sẵn, xíu bạn tới là có đồ lai rai luôn”, N. (nhân viên quán) đon đả.
Sau đó, N. viết hóa đơn, đề nghị PV cung cấp số điện thoại, tên, rồi yêu cầu đóng 500.000 đồng. “Vì tụi em đặt cho 40 người, nên lỡ tụi anh không tới là mất 500.000 đồng nhé. Còn mọi chuyện êm xuôi, khi tính tiền, quán sẽ trả lại 500.000 đồng tiền cọc”, N. nói.

TP.HCM yêu cầu đóng cửa, quán ăn chuyển sang bán online, nhân viên phục vụ thành shipper

Chưa có chế tài?

Tại Hà Nội, chiều 25.3, sau khi Chủ tịch UBND TP yêu cầu đóng cửa lập tức toàn bộ cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đến hết ngày 5.4, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, đến 26.3, vẫn có những cửa hàng chưa chấp hành. Nhiều cửa hàng còn đông nghịt khách mua bánh trôi, bánh chay về… cúng.
Theo một lãnh đạo P.Quang Trung, Q.Đống Đa, sáng 26.3, phường huy động toàn bộ nguồn lực và thành lập 6 tổ công tác đi tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn có cơ sở không chấp hành.
Theo lãnh đạo này, văn bản TP mới ban hành và chưa có quy định, chế tài nào để xử lý đối với những trường hợp không hợp tác, chống đối nên phía phường thực hiện trên tinh thần tuyên truyền và vận động người dân. “Nếu có quy định thì dễ; phạt răn đe một vài hộ thì các hộ khác sẽ tự giác chấp hành, nhưng phạt thì phải đúng chứ không phải thích là được”, vị này nói.

Người Sài Gòn làm quen với lối sống khác khi tiệm cắt tóc đóng cửa chống Covid-19

Liên quan đến việc xử phạt các hành vi không tuân thủ các quy định áp dụng trong phòng chống dịch, PGS-TS Trần Đắc Phu, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định đã có quy định cụ thể, áp dụng theo Nghị định 176/2013. Theo nghị định này, chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng; Chánh thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.