Quân nổi dậy chiếm trung tâm Tripoli

22/08/2011 10:26 GMT+7

* Hai con trai của ông Muammar Gaddafi bị bắt giữ (TNO) Cục diện chiến sự tại Libya biến chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc trong hôm nay, 22.8, khi quân nổi dậy tràn vào trung tâm thủ đô Tripoli, bắt giữ hai con trai của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi trong sự chào đón của cư dân thành phố.

Đám đông tại Quảng trường Xanh đã hoan hô lực lượng nổi dậy, vẫy cờ và bắn súng chào mừng, theo BBC.

Quân nổi dậy được tường thuật là đã bắt con trai của ông Gaddafi, Saif al-Islam. Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Luis Moreno-Ocampo nói ông đã được thông báo về vụ bắt giữ.

Saif al-Islam vốn bị ICC cáo buộc tra tấn và giết hại dân thường. Một người con trai khác của ông Gaddafi, Muhammad, cũng bị quân nổi dậy bắt giữ.


Người dân ở thành phố Benghazi nhảy múa khi nghe tin con trai ông Gaddafi bị bắt - Ảnh: AFP

Giao tranh vẫn tiếp tục nổ ra ở một số khu vực trong thành phố. Theo phóng viên của BBC ở Tripoli Matthew Price, quân nổi dậy dường như đang cố gắng chiếm lấy khách sạn nơi ông và các nhà báo khác đang trú.

Đại tá Gaddafi được cho là vẫn còn hàng ngàn người vũ trang trung thành trong thủ đô mặc dù có tường thuật nói một số đã đầu hàng quân nổi dậy.

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia lâm thời Mustafa Mohammed Abdul Jalil phát biểu vào sáng nay: “Tôi cảnh báo các bạn rằng vẫn còn những ổ kháng cự trong và xung quanh thành phố”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Libya Moussa Ibrahim nói các cuộc giao tranh trong thành phố từ 10 giờ, giờ GMT ngày chủ nhật, 21.8 (17 giờ, giờ Việt Nam) đã làm 1.300 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương.

Quân nổi dậy vốn tiến vào Tripoli từ phía đông và phía tây trong vài ngày qua dưới sự yểm trợ từ các đợt không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Từ nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama tuyên bố chế độ của ông Gaddafi đang thể hiện dấu hiệu sụp đổ và kêu gọi nhà lãnh đạo Libya từ bỏ quyền lực để tránh gây thêm thương vong.

“Con đường chắc chắn nhất để chấm dứt đổ máu rất đơn giản: Muammar Gaddafi và chế độ của ông ta cần phải nhận ra rằng sự cai trị của họ đã chấm dứt. Gaddafi cần phải nhìn nhận một thực tế là ông ta không còn kiểm soát Libya”, ông Obama nói.

Tuy nhiên, ông Ibrahim nói chính phủ Libya vẫn “rất kiên cường”. “Chúng tôi có hàng ngàn chiến binh”, ông nói.

Bộ trưởng Thông tin của Libya cũng bổ sung rằng chính phủ Gaddafi sẵn sàng đàm phán trực tiếp với quân nổi dậy song vào tối chủ nhật, Đại tá Gaddafi đã phát đi lời kêu gọi những người ủng hộ ông hãy “tẩy sạch” quân nổi dậy khỏi Tripoli.

“Làm sao các bạn cho phép thủ đô Tripoli bị chiếm đóng một lần nữa? Những kẻ phản bội đang mở đường cho lực lượng chiếm đóng triển khai tại Tripoli”, ông Gaddafi nói trong một thông báo trên đài truyền hình quốc gia.

Diễn biến sáu tháng xung đột ở Libya

Ngày 15 - 19.2: Với cảm hứng từ cuộc cách mạng ở các nước Ả Rập khác, bao gồm Tunisia và Ai Cập, một phong trào nổi dậy bùng phát tại thành phố lớn thứ hai của Libya, Benghazi.

Ngày 19.3: Các binh lính trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tấn công thành phố Benghazi. Pháp, Mỹ và Anh mở chiến dịch không kích Libya theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đẩy lùi quân chính phủ.


Một cuộc không kích của NATO vào tháng 3 - Ảnh: Reuters

Ngày 30.3: Bộ trưởng Ngoại giao Libya Mussa Kussa đào tẩu, hàng chục chính trị gia và sĩ quan quân đội nối gót.

Ngày 31.3: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch quân sự.

Ngày 20.4: Pháp, Ý và Anh gửi cố vấn quân sự đến hỗ trợ quân nổi dậy.

Ngày 1.5: Gaddafi thoát chết trong một đợt không kích của NATO vốn giết chết người con trai út của ông, Seif al-Arab, và ba người cháu.

Ngày 1.6: NATO thông báo chiến dịch vốn dự định kết thúc vào tháng sáu sẽ kéo dài đến cuối tháng 9.

Ngày 9.6: Một nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya nhóm họp tại Abu Dhabi và thông qua kế hoạch cung cấp nguồn tài chính cho quân nổi dậy.

Ngày 20 - 21.6: Chế độ Gaddafi nói có 24 dân thường đã bị giết trong các cuộc không kích của NATO.

Ngày 27.6: Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt ông Gaddafi vì những tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Ngày 29.6: Pháp thông báo nước này đã thả vũ khí cho quân nổi dậy.

Ngày 14.7: Quân nổi dậy củng cố lực lượng tại phía tây và bắt đầu tấn công thành phố dầu hỏa Brega. NATO bác bỏ cáo buộc rằng cuộc không kích của tổ chức này đã giết chết hơn 1.100 dân thường.

Ngày 15.7: Tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhóm tiếp xúc quốc tế xác định quân nổi dậy là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Libya.

Ngày 25.7: NATO nói tổ chức này đã hỗ trợ quân nổi dậy bằng cách tấn công một cơ sở quân sự, các xe thiết giáp, xe tăng và phương tiện quân sự hạng nhẹ ở Brega.

Ngày 28.7: Tư lệnh quân nổi dậy, tướng Abdel Fatah Yunis bị một nhóm phản loạn thủ tiêu.

Ngày 5.8: Chính phủ Libya bác tin con trai của Gaddafi, Khamis, chết trong một cuộc không kích của NATO.

Ngày 6.8: Thành phố Bir al-Ghanam ở phía tây lọt vào tay quân nổi dậy.

Ngày 8.8: Lãnh đạo quân nổi dậy Mustafa Abdel Jalil sa thải toàn bộ “nội các” của quân nổi dậy.

Ngày 9.8: Giới chức Libya cáo buộc NATO “thảm sát” 85 dân làng trong một cuộc không kích ở Zliten, phía tây Libya. NATO tuyên bố không có bằng chứng về cái chết của những dân thường.

Ngày 15.8: Quân nổi dậy tuyên bố chiếm phần lớn Zawiyah, chướng ngại cuối cùng trên đường tiến đến Tripoli. Ông Gaddafi nói quân nổi dậy là “những con chuột” và dự đoán họ sẽ bị tiêu diệt. Một đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đến Tunisia để bàn về tương lai Libya.


Người dân Tripoli chào đón quân nổi dậy - Ảnh: AFP

Ngày 20.8: Giao tranh nổ ra tại Tripoli, quân nổi dậy áp sát thành phố sau khi tuyên bố chiếm được Brega, một ngày sau khi chiếm Zawiyah và Zliten.

Ngày 21.8: Quân nổi dậy Libya tiến vào trung tâm Tripoli từ phía tây.

Gaddafi thề sẽ không đầu hàng và nói ông sẽ “ca khúc khải hoàn” trong trận chiến ở thủ đô.

NATO nói chế độ của ông Gaddafi đang sụp đổ trong khi ICC nói con trai của Gaddafi, Seif al-Islam, đã bị bắt.

Lãnh đạo cao cấp của quân nổi dậy Mahmud Jibril cảnh báo vẫn còn nhiều ổ kháng cự trong và xung quanh Tripoli, đồng thời thúc giục quân nổi dậy hành động có trách nhiệm và tránh trả thù.

Ngày 22.8: Tổng thống Mỹ Barack Obama nói “kẻ bạo chúa” người Libya cần phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức để tránh đổ máu thêm và kêu gọi quân nổi dậy tôn trọng nhân quyền.

 

 

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.