Quán phở Gạc Ma - Trường Sa của người cựu binh

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
16/03/2018 08:00 GMT+7

Cựu binh Lê Minh Thoa (ở TP.Quy Nhơn), người tham gia trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, đặt tên quán phở của mình là Phở Gạc Ma- Trường Sa để nhắc mọi người nhớ đến hòn đảo này.

Những năm gần đây, nhiều du khách đến TP.Quy Nhơn (Bình Định) thường tìm đến một quán phở có tên rất đặc biệt: Phở Gạc Ma- Trường Sa trên đường Tăng Bạt Hổ. Ông chủ quán phở này là cựu binh Lê Minh Thoa (50 tuổi), nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) năm 1988.

Mong một lần được trở lại

Đã 30 năm trôi qua, cuộc đời chịu nhiều thăng trầm nhưng hai chữ Gạc Ma chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí cựu binh Lê Minh Thoa. Ông Thoa tâm sự rằng, thỉnh thoảng trong giấc mơ, hình ảnh những đồng đội trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 lại hiện về. Giật mình thức giấc, mình ông đẫm mồ hôi. Rồi không ngủ lại được, ông nhẩm lại tên từng đồng đội, nhớ từng gương mặt dù là người đã ngã xuống hay người còn sống. Cứ như vậy cho đến khi trời trở sáng, ông Thoa lại rời khỏi giường, bắt đầu công việc bán phở hằng ngày.

Quán phở này được vợ chồng ông Thoa mở từ hàng chục năm về trước. Nhưng cách đây vài năm, khi ông Thoa đặt tên quán là Phở Gạc Ma - Trường Sa thì khách đến ngày càng nhiều. Không chỉ người dân ở TP.Quy Nhơn, nhiều bạn trẻ đọc trên báo chí, mạng xã hội cũng tìm đến đây, không chỉ là để ăn tô phở mà còn để bắt chuyện, chụp hình lưu niệm với chủ quán. Dù phở được nhiều khen là thơm, ngon nhưng suốt mấy năm qua chưa bao giờ ông Thoa tăng giá, chỉ bán 20.000 đồng/tô.

Tên quán phở của cựu binh Lê Minh Thoa ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Khách đến ăn sáng tại quán phở Gạc Ma - Trường Sa ẢNH: HOÀNG TRỌNG

“Tôi đặt tên là Phở Gạc Ma - Trường Sa không phải câu khách để kiếm sống mà tôi chỉ muốn mọi người nhớ đến hòn đảo này. Nơi đã có bao xương máu của chiến sĩ Việt Nam đổ xuống, có người vĩnh viễn nằm lại đây để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”, ông Thoa tâm sự.

Mấy năm gần đây, vào những ngày giữa tháng 3, ông Thoa thường đi các tỉnh, thành phố trong nước để gặp gỡ, giao lưu cùng đồng đội và nhiều người khác, để ôn lại những kỷ niệm về trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Trong dịp kỷ niệm 30 năm quân Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép Gạc Ma năm nay, ông Thoa dự tính đi giao lưu, gặp gỡ với các sinh viên tại Đà Nẵng và dự lễ cầu siêu cho 64 đồng đội đã ngã xuống tại Gạc Ma. “Bây giờ, cuộc sống của những người trở về từ trận chiến Gạc Ma năm xưa đã bớt khó khăn. Chúng tôi chỉ mong một lần được đếnGạc Ma, thả vòng hoa, dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống ở hòn đảo này”, ông Thoa rưng rưng.

Thời khắc bất tử

Năm 1985, tròn 17 tuổi, ông Thoa nhập ngũ, sau đó trở thành hạ sĩ quan thuộc Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân đóng tại Tân Cảng (TP.HCM) và được phân công làm nhiệm vụ sửa chữa máy móc trên tàu HQ 602. Đầu năm 1988, ông Thoa được tăng cường sang tàu HQ 604 làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Ông Thoa kể, khoảng 17 giờ ngày 13.3.1988, tàu hải quân Trung Quốc áp sát tàu HQ 604 đang làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma rồi dùng loa khiêu khích. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhận được lệnh khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma để đặt mốc chủ quyền ngay trong đêm 13.3.1988. Sau khi đặt được mốc và cắm cờ Tổ quốc, một nhóm chiến sĩ được giao nhiệm vụ canh gác trên đảo, còn các chiến sĩ khác tiếp tục vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo.

Ông Thoa lưu giữ nhiều hình ảnh, di vật về thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Rạng sáng 14.3.11988, hải quân Trung Quốc dùng xuồng nhôm đưa lính thủy quây vòng tròn tiến lên đảo Gạc Ma. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh sẵn sàng chiến đấu. Những chiến sĩ trên đảo lùi dần về phía lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo Gạc Ma và tạo thành một vòng tròn vây quanh lá cờ, quyết không để địch cướp cờ. Sau đó, lính Trung Quốc nổ súng vào quân ta. Tàu hải quân Trung Quốc đưa lính vũ trang tràn lên đảo Gạc Ma, rồi bắn pháo vào tàu HQ 604 làm tàu bị hỏng nặng.

 “Lúc đó, tôi lo chữa cháy cho tàu HQ 604 và bị thương do dầu máy văng vào. Tàu HQ 604 tiếp tục hứng chịu hàng loạt các đợt đạn của địch, bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng, rồi chìm dần xuống biển. Tôi nhảy khỏi tàu, ôm được hai trái bí xanh là lương thực của tàu để bơi. Lênh đênh trên biển gần 1 ngày thì bị tàu Trung Quốc bắt giữ”, ông Thoa kể.

Ngoài ông Thoa còn có 8 chiến sĩ khác trên các tàu HQ 605, HQ 505 của ta cũng bị Trung Quốc bắt, sau đó giam tại bán đảo Lôi Châu (tỉnh Quảng Đông). Khi hai nước bình thường hóa quan hệ, tháng 9.1991, Trung Quốc quyết định phóng thích tù binh cho Việt Nam. Trở về Việt Nam, ông Thoa phục vụ trong quân ngũ và đến năm 1996 thì xin xuất ngũ. Tháng 10. 2017, sau khi giám định lại thương tật, ông Thoa được công nhận là thương binh loại 4/4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.