Quân sư về Trung Quốc của ông Trump

23/12/2016 09:00 GMT+7

Bổ nhiệm mới nhất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là người chủ trương cứng rắn với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực.

Ban chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.12 thông báo thành lập một cơ quan cố vấn mới ở Nhà Trắng với tên gọi Hội đồng thương mại quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất không phải là bản thân bộ phận này mà là người đứng đầu của nó - kinh tế gia Peter Navarro.
Cố vấn tin cẩn
Ông Navarro, từng lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard, hiện là giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học California, Irvine. Trước khi trở thành cố vấn của ông Trump, học giả 67 tuổi nổi tiếng là một nhân vật chống Trung Quốc, với cuốn sách gây xôn xao dư luận Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action (tạm dịch: Chết dưới tay Trung Quốc: Đương đầu với rồng - Lời kêu gọi hành động toàn cầu). Tác phẩm xuất bản năm 2011 này tập trung chỉ trích các chính sách của Trung Quốc, mô tả quốc gia đông dân nhất thế giới như một mối đe dọa đối với nước Mỹ, đặc biệt về kinh tế và thương mại.
Tuy gây tranh cãi trong giới kinh tế gia chính thống nhưng những lời chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ, áp dụng chính sách thương mại hung hăng hay đánh cắp sở hữu trí tuệ trong cuốn sách rõ ràng đã được ông Trump thâu nạp. Điều này thể hiện rõ trong những tuyên bố liên quan đến Trung Quốc của ông cả trước và sau ngày bầu cử.
Mặc dù chỉ mới gặp mặt nhau lần đầu tiên vào tháng 9 năm nay, giữa ông Navarro và ông Trump hình thành một mối quan hệ có thể mô tả như là “tâm giao”, đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Theo lời kể của ông Navarro trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Los Angeles Times, trước khi nhận lời làm cố vấn cho ông Trump vào tháng 8, hai người chỉ trao đổi thư từ với nhau. Tuy nhiên, ngay sau khi về đầu quân, Navarro đã nổi lên như một cố vấn tin cẩn của ông Trump. Ông cùng với tỉ phú Wilbur Ross, người được chọn làm bộ trưởng thương mại, đã định hình đường lối chính sách thương mại của ông Trump trong quá trình tranh cử.
Trong thông báo bổ nhiệm, ông Trump đã nhắc lại sự “tâm đầu ý hợp” giữa hai người: “Tôi đọc các cuốn sách của Peter về những vấn đề thương mại của Mỹ cách đây mấy năm và bị ấn tượng bởi sự rõ ràng trong lập luận và sự kỹ lưỡng trong nghiên cứu của ông ấy”.
Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) Harry J.Kazianis, một người quen biết lâu năm với ông Navarro, nhận xét rằng người bạn của ông là một “sự lựa chọn ngoại hạng”. “Đã quá lâu rồi, Trung Quốc theo đuổi điều chỉ có thể được mô tả là chính sách thương mại hám lợi gây tác động lớn đến công việc, sản xuất và cơ đồ kinh tế Mỹ. Peter là một trong những kinh tế gia hiếm hoi lên tiếng về những vấn đề đó và sẽ trở thành động lực cho thay đổi, đồng thời sẽ đảm bảo rằng trong vấn đề chính sách thương mại, lợi ích của Mỹ sẽ là ưu tiên số một”, ông Kazianis nói với Thanh Niên.
Mối đe dọa hàng đầu
Tuy là nhà kinh tế nhưng những kinh nghiệm và chủ trương cứng rắn với Trung Quốc của ông Navarro không chỉ gói gọn trong mảng này mà mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh quốc gia. Đầu năm ngoái, ông xuất bản cuốn sách về quân sự Trung Quốc có tên Crouching Tiger: What China's Militarism Means for the World (tạm dịch: Ngọa hổ: Hệ lụy của chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc đối với thế giới), phân tích về khả năng nổ ra xung đột Mỹ - Trung. Chủ đề này cũng được đề cập đến trong một cuốn sách khác của ông có tên The Coming China Wars: Where They Will Be Fought and How They Can Be Won (tạm dịch: Những cuộc chiến tranh với Trung Quốc sắp xảy đến: Chúng sẽ diễn ra ở đâu và làm thế nào để chiến thắng).
Vào tháng 11, Navarro đã cùng với một cố vấn khác là Alexander Gray chấp bút một bài viết trên tờ Foreign Policy vạch ra viễn kiến “hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cổ vũ cho việc tăng cường sức mạnh hải quân.
Ông cũng là một trong những người chủ trương tăng cường quan hệ với Đài Loan để răn đe Trung Quốc, một đường hướng có vẻ như đang ló dạng dưới thời ông Trump. Vì được ông Trump tin dùng nên ông Navarro có thể sẽ là nòng cốt cho sự hình thành một nhóm phụ tá thân tín có xu hướng xem Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu trong chính quyền mới.
Giám đốc Kazianis, người từng điểm nhiều cuốn sách của ông Navarro cũng như xuất bản các bài viết của ông này trên cương vị Tổng biên tập tạp chí The National Interest, bình luận với Thanh Niên: “Navarro cũng ở tuyến đầu trong việc điểm mặt chỉ tên Bắc Kinh vì các hành động gây hấn ở khắp châu Á -Thái Bình Dương. Ông ấy không chỉ viết về sự trỗi dậy trong cách hành xử hung hăng về kinh tế của Trung Quốc mà còn cả về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của họ. Peter hiểu được điều gì đang lâm nguy ở châu Á trước những nỗ lực dồn dập của Trung Quốc nhằm hăm dọa và thống trị các nước láng giềng, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Theo tôi, không có người nào phù hợp hơn Peter để thì thầm vào tai tổng thống về các vấn đề quan trọng như thương mại và chắc chắn là cả mọi chuyện về Trung Quốc và châu Á”.
Theo thông báo của ông Trump, Hội đồng thương mại quốc gia sẽ chịu trách nhiệm cố vấn cho tổng thống về đàm phán thương mại, phối hợp với các cơ quan khác và trợ giúp người thất nghiệp. Nhóm này cũng sẽ điều hành chương trình “Mua đồ Mỹ, thuê người Mỹ” của ông Trump, với mục tiêu tạo thêm việc làm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và quốc phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.