Như Thanh Niên đã thông tin kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội tạo một áp lực lớn với học sinh (HS) và phụ huynh (PH) là làm sao để trúng tuyển đúng trường THPT mình yêu thích.
Việc ôn luyện để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6, đang diễn ra sôi động.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp 9, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên (GV) Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cho hay học kỳ 2 là thời điểm HS lớp 9 bắt đầu tăng tốc để ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. PH thường căn cứ vào kết quả học tập cuối học kỳ 1, "cân đo" xem con mình yếu ở môn nào để tăng thời lượng học thêm. Thầy Bảo cho biết không hiếm trường hợp PH đưa con đi học thêm đến 6, 7 GV vì thấy con học yếu hoặc vì quá kỳ vọng vào con. Thầy Bảo cho rằng phải có phương pháp học tập khoa học mới có thể chinh phục được kỳ thi chứ không phải cứ học thêm nhiều, học tủ, học vẹt…
Theo thầy Bảo, mỗi GV có một phương pháp dạy khác nhau. Việc đi học thêm quá nhiều GV trong cùng một môn học có thể sẽ khiến HS bị rối, khó xác định được phương pháp viết, thậm chí khiến các em thiếu tự tin khi đi thi. Đặc biệt, học thêm quá nhiều sẽ khiến các em không có thời gian ôn tập, việc học thêm trở nên không hiệu quả.
Từ thực tế này, thầy Bảo tư vấn: "PH nên trao đổi với GV trên lớp để biết chắc sức học của con. Đồng thời nên tham khảo ý kiến các con để biết con muốn học ở thầy cô nào, phù hợp nhất với cách tiếp thu bài vở của mình. Quan trọng nhất là cần biết con yếu ở đâu để bồi dưỡng đúng, đặt nguyện vọng trường vừa sức, không đặt áp lực quá nặng nề lên con mình".
Quá áp lực
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng việc thi tuyển sinh vào lớp 10 tạo áp lực quá lớn, không chỉ cho HS mà còn cho cả PH. BĐ Minh Yen cho biết: "Cháu nó thích trường chuyên nên ngay từ năm lớp 6 đã phải cho cháu đi học thêm các môn như toán, văn, tiếng Anh. Vừa học xong ở trường THCS thì chạy ngay đến trung tâm để học thêm, tới tối mới về đến nhà, mệt đừ cả mẹ cả con. Thứ bảy, chủ nhật cũng phải học thêm. Rất áp lực mà không biết có vào nổi trường chuyên hay không, nếu không nổi thì hy vọng điểm cũng khá khá để vào trường thường top 1".
Cùng quan điểm, BĐ Tien Thanh cho biết: "Tôi thấy còn áp lực hơn cả thi vào ĐH. Thi ĐH có nhiều trường, nhiều phương thức tuyển để lựa chọn. Rớt năm nay thì luyện thi tiếp cho năm sau. Còn thi tuyển sinh lớp 10 công lập rất khó, nếu không học tốt hoặc không biết tính toán thì coi chừng rớt công lập, thậm chí rớt cả dân lập, lúc này chỉ còn giáo dục thường xuyên thôi. Tuổi còn nhỏ, nếu không vào lớp 10 thì làm gì? Mới lớp 9 mà đã áp lực quá trời!".
"Áp lực, nhưng theo tôi là cần thiết. Cũng phải có áp lực để HS biết vươn lên. Học hành mà không áp lực thì dễ bị bỏ bê ngay. Hơn nữa, theo tôi, HS cũng nên dần quen với áp lực, thì mới dễ thích nghi với cuộc sống được, mới trưởng thành được. Có công việc, ngành nghề nào, đối tượng nào không bị áp lực? Nhưng trường hợp phải học thêm đến 6 - 7 GV thì phải coi lại. Học kiểu vậy thì thời giờ ở đâu mà "tiêu hóa" được kiến thức?", BĐ Hoai ý kiến.
Nhờ giáo viên tư vấn chọn trường
"Tôi biết sức học của con tôi, và sau khi trao đổi với GV chủ nhiệm và một số GV quen, tôi và cháu thống nhất "chọn vào lớp 10 một trường công lập trung bình ở gần cơ quan tôi". Như vậy sẽ vừa với sức học của cháu, vừa tiện cho việc đưa đón, và quan trọng hơn là cháu không bị áp lực lớn trong học tập. Nhờ xác định như vậy nên tôi thấy cháu vẫn cố gắng học, và học vui vẻ hơn. Giờ thì cháu chuẩn bị tốt nghiệp ĐH, đi làm", BĐ Phuc Huong kể.
Cùng ý kiến, BĐ Chi Cong cho biết thêm: "PH và HS nên trao đổi thẳng thắn với GV về việc học hành, chọn trường vào lớp 10. Chắc chắn với kinh nghiệm của mình, GV sẽ có những tư vấn, hướng dẫn thiết thực, để PH và HS cân nhắc, chọn lựa phù hợp".
Trong khi đó, BĐ Thắn Thẳng thì đề nghị: "Nên bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Cứ để các em vào học, sau đó kiểm tra năng lực rồi sắp xếp theo các khối phù hợp. Còn những kỳ thi tuyển sinh thì còn nạn dạy thêm, học thêm, không thể dẹp bỏ được". BĐ Thành Nguyễn thì góp ý: "Việc tuyển sinh lớp 10 tạo áp lực quá khủng khiếp mà nguyên nhân là do thiếu trường lớp (công lập - NV). Xin đừng để các con mới 15 tuổi mà phải đối phó với áp lực quá lớn này".
* Học thêm hay tự học là phương pháp học, không ai ép buộc nên trách nhiệm thuộc về PH. Có những em học yếu thì cần thầy cô kèm cặp, tuy nhiên đừng để thái quá!
Thành Nguyễn
* Việc học hiện nay làm nhiều trẻ em ở thành thị không có tuổi thơ, không có kỹ năng cơ bản phục vụ bản thân.
Nguyen Nguyen
* Học thêm bao nhiêu đi chăng nữa mà tính tự học không có thì chỉ phí tiền, phí thời gian.
Binh Bia
Bình luận (0)