Quận trung tâm TP.HCM thu tiền tỉ từ 'cho thuê vỉa hè'

05/07/2024 09:37 GMT+7

Sau 50 ngày tổ chức 'cho thuê vỉa hè', Q.1 (TP.HCM) ghi nhận 290 trường hợp đăng ký sử dụng với số phí hơn 1 tỉ đồng, trong đó 136 trường hợp đã nộp phí gần 540 triệu đồng.

Ngày 5.7, UBND Q.1 có báo cáo kết quả 50 ngày triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.

Trên địa bàn Q.1 có 133 tuyến đường, trong đó có 52 tuyến hè phố đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hoá. Từ ngày 9.5, địa phương này thí điểm tổ chức làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hoá tại 11 tuyến đường đủ điều kiện.

Về mức phí, tuyến đường trung tâm sẽ thu 100.000 đồng/m2/tháng, gồm 8 tuyến đường: Mạc Đĩnh Chi, Hải Triều, Chu Mạnh Trinh, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hàm Nghi và Trần Hưng Đạo.

3 tuyến đường ngoài trung tâm thu phí 50.000 đồng/m2/tháng gồm: Hoàng Sa, Cô Bắc và Võ Văn Kiệt.

Quận trung tâm TP.HCM thu tiền tỉ từ 'cho thuê vỉa hè'- Ảnh 1.

Tuyến đường Hải Triều (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) thí điểm cho thuê vỉa hè

NGUYÊN VŨ

Chủ quán nói về thu phí vỉa hè: Hào hứng được kê thêm bàn ghế, số ít băn khoăn vì...

UBND Q.1 cho biết, xuyên suốt 50 ngày triển khai, địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tại 11 tuyến thí điểm. Bên cạnh việc đảm bảo trật tự đô thị và mỹ quan đô thị, việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè góp phần vào thu ngân sách.

Thống kê từ ngày 9.5 - 28.6, có 290 trường hợp đăng ký sử dụng tạm thời một phần vỉa hè với tổng số phí hơn 1 tỉ đồng, trong đó có 136 trường hợp đã đóng phí gần 540 triệu đồng.

UBND Q.1 đánh giá việc cho phép thu phí sử dụng một phần vỉa hè được người dân ủng hộ, đồng thuận do nhu cầu sử dụng dịch vụ tại hè phố của khách du lịch trong và ngoài nước rất cao và thiết thực.

Chính quyền Q.1 cho hay, sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng trật tự đô thị và 10 phường thường xuyên tuần tra, tuyên truyền, sắp xếp lại các vị trí phù hợp với phương án bố trí vỉa hè đã được thông qua. Đồng thời, địa phương cũng sẽ xử phạt các trường hợp vi phạm trật tự lòng, lề đường theo quy định, tập trung tại 11 tuyến đường thí điểm nêu trên.

Nhiều quận, huyện than 'vướng'

Theo Quyết định 32 của UBND TP.HCM ban hành tháng 7.2023, việc thu phí vỉa hè chỉ áp dụng đối với các tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên, đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ rộng tối thiểu 1,5 m.

Hai tháng sau, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 15 quy định mức phí cụ thể cho từng mục đích sử dụng, chia thành 5 khu vực tính theo giá đất bình quân, áp dụng từ tháng 1.2024.

Trên cơ sở đó, các quận, huyện rà soát lập danh mục các tuyến đường đủ điều kiện áp dụng. Hồi đầu tháng 4.2024, 3 quận (1, 10 và 11) gửi danh sách hơn 100 tuyến đường có vỉa hè rộng, đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần vào mục đích khác. Trong đó, Q.1 có 52 tuyến, Q.10 có 28 tuyến, còn Q.11 có 17 tuyến.

Quận trung tâm TP.HCM thu tiền tỉ từ 'cho thuê vỉa hè'- Ảnh 2.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết nhiều địa phương chưa tích cực triển khai đề án thu phí vỉa hè

NGUYÊN VŨ

Tại phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ tháng 6.2024 mới đây, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nhìn nhận, một số quận, huyện vẫn chưa tích cực triển khai đề án thu phí vỉa hè. Hiện lãnh đạo TP.HCM đã giao Ban An toàn giao thông chủ trì rà soát, đánh giá lại việc tổ chức thực hiện. Ông Lâm nhận định Q.1 làm rất tốt nhưng một số địa phương khi được hỏi thì báo cáo do chưa có ngân sách, chưa đủ điều kiện.

"Khi xây dựng Quyết định 32 của UBND TP.HCM và Nghị quyết 15 của HĐND TP.HCM, các địa phương tham gia ý kiến rất đầy đủ nhưng khi triển khai thì lại bảo là vướng. Bí thư Thành ủy và Chủ tịch HĐND TP.HCM rất quan tâm vấn đề này. Đây là công cụ để quản lý đô thị chứ không phải để thu phí", ông Lâm nói thêm, và đề nghị các quận huyện sớm triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.