'Quản' và 'cấm' trong văn bản pháp luật

12/06/2014 09:30 GMT+7

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp hôm qua, các ĐBQH đã xoáy sâu vào tình trạng văn bản ban hành ra “đẩy khó cho dân”, gây khổ doanh nghiệp...

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp hôm qua, các ĐBQH đã xoáy sâu vào tình trạng văn bản ban hành ra “đẩy khó cho dân”, gây khổ doanh nghiệp...

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề: có hay không hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm của bộ ngành vào các văn bản pháp luật hoặc có nhiều quy định theo hướng giữ thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho dân?

“Phức tạp nhất thế giới”

 

 

Khi làm luật, một số bộ ngành không quản được thì cấm, tạo thuận lợi cho mình và đẩy khó cho người dân

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường

Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên. Việc này được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, từ thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày. “Với quy trình này thì chúng tôi nhận thấy chưa có vấn đề gì đặt ra”, ông Cường nói và cho rằng việc cài cắm lợi ích nhóm được dư luận nêu là đối với loại văn bản pháp luật như thông tư, thông tư liên tịch do các bộ ngành ban hành; việc thẩm định được giao cho bộ phận pháp chế các bộ ngành này thực hiện.

ĐB Kim Thúy tiếp tục truy vấn về lợi ích nhóm và gợi ý Bộ trưởng nên trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Ông Hà Hùng Cường thừa nhận có hiện tượng khi làm luật “một số bộ ngành không quản được thì cấm, tạo thuận lợi cho mình và đẩy khó cho người dân”. Ông cũng cho biết giải pháp đã đề xuất với Chính phủ là thực hiện đề án thí điểm kiểm soát tập trung đối với các thông tư của các bộ ngành, đặc biệt là các lĩnh vực gắn chặt với lợi ích người dân.

“Bộ Tư pháp được giao rà soát lại văn bản nhưng liệu có tình trạng nể nang đối với các văn bản pháp luật bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành?”, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) hỏi thẳng. Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời: nếu nhìn từ vĩ mô thì có thể đánh giá chiến lược xây dựng pháp luật và hệ thống pháp luật hiện đã “có đường có nét”, nhưng góc độ vi mô thì "hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới". “Theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 thì có rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là cấp chủ tịch xã. Một chủ thể cũng có thể ban hành nhiều loại văn bản khác nhau, dẫn đến rất khó tuân thủ pháp luật”, Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

“Cho đi đường thẳng nhưng... chỉ đi đường vòng”

 
 

Có hay không hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm của bộ ngành vào các văn bản pháp luật hoặc có nhiều quy định theo hướng giữ thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho dân?

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

ĐB Trần Du Lịch hỏi: Không ở đâu thủ tục thi hành án dân sự phức tạp, nhiêu khê như ở VN, nhất là thủ tục phát mại tài sản để thu hồi nợ của các ngân hàng có khi mất 4 năm. Bộ Tư pháp có thấy đó là rào cản?

Bày tỏ quan điểm hoàn toàn đồng ý với nhận định của ĐB Trần Du Lịch, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng việc phát mại tài sản có liên quan đến yếu tố thị trường nóng hay nguội, thời điểm tuyên án và định giá tài sản có khoảng cách nên khó khăn trong thẩm định. Bộ trưởng cho biết việc sửa đổi bổ sung luật Thi hành án dân sự tới đây sẽ theo hướng xã hội hóa việc định giá thay cho các cơ quan quản lý nhà nước.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bức xúc nêu một vấn đề mà ông cho là “gây tác hại đối với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước”. Đó là văn bản hướng dẫn luật đặt ra các thủ tục, điều kiện, thậm chí là các mẫu đơn và giấy phép con. Những phiền toái này thực chất là rào chắn và đôi khi là những cái bẫy đối với DN và người dân. Để vượt những rào chắn này, DN và người dân phải chung chi, bôi trơn... "Có người nói rằng, nếu Bill Gates mà xin lao động ở VN, theo điều kiện ở VN cũng không được cấp giấy phép vì phải có bằng đại học và phải có 5 năm làm việc chẳng hạn", ông Nghĩa nêu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Bộ Tư pháp nên có ý kiến đối với những văn bản không hẳn là trái luật nhưng gây phiền nhiễu cho DN, người dân. “Luật cho đi đường thẳng nhưng văn bản dưới luật chỉ đi đường vòng, lên dốc... Nếu nói trái thì không trái nhưng điều này rất khổ, nhất là trong vấn đề đầu tư, khổ sở cho DN", ĐB Nghĩa nói.

Giải trình vấn đề ĐB Nghĩa nêu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng về nguyên tắc các văn bản hướng dẫn không được trái với luật, nghị định. Bộ trưởng cũng cảm ơn câu hỏi của đại biểu về lĩnh vực cụ thể và sẽ kiểm tra, có báo cáo trả lời riêng.

“312 văn bản sai pháp luật là gay rồi”

Tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa về việc dư luận nêu nhiều văn bản vừa ban hành đã phải thu hồi dẫn đến tốn kém nhiều tỉ đồng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích có những văn bản đã ban hành nhưng cũng có văn bản mới chỉ là dự thảo lấy ý kiến, và khi khi dư luận lên tiếng đã thu hồi xử lý ngay. “Đối với những dự án nào đó gây tốn kém kinh phí, ngân sách nhà nước, tôi nghĩ phải đi sâu vào vụ việc. Nếu được ĐB cho biết để có cơ sở kiểm tra cụ thể và sẽ có báo cáo ngay”, Bộ trưởng hứa.

Cho rằng trong kỳ họp trước và tại các phiên giải trình của Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Tư pháp đã thực hiện tốt các lời hứa nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá trả lời tại kỳ họp này chưa kỹ. “Bộ Tư pháp báo cáo có 312 văn bản sai pháp luật. Nếu người ta căn cứ 312 văn bản này để mà tổ chức thực hiện thì gay go rồi. Mà nếu không tổ chức thi hành thì lại là vi phạm pháp luật. Căn cứ theo quy định thì có thể xử lý kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, đuổi việc... cán bộ được rồi, có khi xử lý hình sự được rồi", Chủ tịch QH nói.

 Đột phá công nghiệp dược

Được mời giải đáp thêm về giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định nếu để giá thuốc cho Bộ quản lý sẽ lại tái diễn tình trạng ngành y tế vừa nhập khẩu vừa phân phối, ghi toa, bán thuốc.

“Chúng ta hay gọi là tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Vừa rồi Chủ tịch QH cũng kết luận Bộ chỉ làm công tác chuyên môn, Bộ muốn đột phá phát triển công nghiệp dược thành mũi nhọn. VN càng tự túc được thuốc càng tốt. Làm sao thuốc VN vừa đảm bảo chất lượng, giá cả vừa phải với mức chi trả của quỹ của Bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Tiến, hiện VN đang có hai loại thuốc, một do ngân sách nhà nước chi trả qua bảo hiểm xã hội với hơn 10.000 sản phẩm và thứ hai là thuốc của tư nhân phân phối trên thị trường khoảng 22.000 sản phẩm. Từ thống kê của Tổ chức Y tế thế giới đối với hơn 3.000 loại thuốc, bà Tiến cho biết giá thuốc nội tăng thấp, còn giá thuốc nhập khẩu tăng trung bình. Trong khi đó, so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thuốc đứng thứ 9/11 mặt hàng có chỉ số giá tăng. “Không phải giá thuốc VN cao nhất”, Bộ trưởng Tiến khẳng định.

Anh Vũ

Thắt chặt chi tiêu, dành tiền trả nợ

Sáng 11.6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục trả lời chất vấn tại QH. Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế đối với Trung Quốc (TQ), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) hỏi Bộ trưởng về số tiền vay nợ, cũng như mức độ phụ thuộc của VN vào TQ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Hiện nay chúng ta vay của TQ không nhiều. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư TQ chỉ chiếm tỷ lệ 0,33% quy mô vốn thị trường, số này không lớn”.

Trước đó, các ĐB cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân tại sao chi sai, vượt dự toán định mức, kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo và giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Dũng cho biết thời gian tới giải pháp đầu tiên là “thắt chặt chi tiêu, dành tiền trả nợ”, mọi bộ, ngành, đơn vị phải thực hiện. Ông Dũng đề xuất QH đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp. Bên cạnh đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Khép lại phần chất vấn của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Về nợ công, Bộ trưởng nói là an toàn, đang ở mức an toàn, ĐB thì rất lo lắng nó có nhiều dấu hiệu không an toàn. Bộ trưởng đã chứng minh sẽ phải có nhiều biện pháp để đảm bảo tình hình nợ công cho vào thế an toàn. Có thể kết luận nợ công, nợ Chính phủ đang ở trong mức giới hạn của pháp luật cho phép nhưng đe dọa an ninh tài chính vĩ mô quốc gia. Nguồn vay để trả nợ nhiều ĐB cũng rất lo lắng, Bộ trưởng cũng rất lo lắng, chúng ta vay để đảo nợ, tức là vay để trả nợ đấy là không an toàn”. 

Anh Vũ

Thái Sơn

 >> Ngăn ngừa lợi ích nhóm khi ban hành chính sách
>> Phải ‘rà’ cho được lợi ích nhóm trong chính sách
>> Thẩm định văn bản pháp luật: Chưa tận dụng được chất xám chuyên gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.