Thay đổi đầu tiên đáng chú ý là hình thành giải thi đấu dành cho hệ đội tuyển các tỉnh thành đánh theo thể thức Davis Cup và Fed Cup hàng năm và cũng có nội dung trẻ trong giải này theo hướng một giải League có lên và xuống hạng. Đây là giải đấu mà lẽ ra phải được tổ chức từ lâu nhằm khơi dậy vai trò của các địa phương, CLB, động viên họ trong công tác đào tạo, quản lý và đầu tư có chiều sâu cho lực lượng quần vợt tại chỗ, tăng tính màu cờ sắc áo và trách nhiệm của VĐV với địa phương, CLB nơi mình sinh ra, được thể hiện và đền đáp công nuôi dưỡng, rèn luyện mình để trở thành tay vợt có vị thứ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Liên đoàn quần vợt Việt Nam nhấn mạnh: "Đây là giải đầu mà do nhiều điều kiện khách quan cũng như chủ quan nên trước đây chúng ta không duy trì và nâng tầm được. Chẳng hạn như những năm 90 của thế kỷ trước, các trận đấu đồng đội giữa các đội nam như Sóc Trăng, Cà Mau, Quân đội, TP.HCM... luôn rất hào hứng với các tay vợt như Trần Quang Phước, Trần Ngọc Quý (Sóc Trăng), Lâm Thiện Thanh, Trần Thanh Hoàng (Cà Mau), Ôn Tấn Lực, Trần Đức Quỳnh, Dương Ngọc Đức (TP.HCM), Trương Quốc Hùng, Vũ Thanh Tùng (Quân đội)... luôn rất hào hứng, tiếc là một giai đoạn sau đó không thể bật lên. Nhưng bây giờ khi quần vợt Việt Nam bắt đầu tiếp cận với xu thế nhà nghề, cuộc chơi ở Davis Cup hay Fed Cup có sức lan tỏa và ảnh hưởng nhiều đến quần vợt Việt Nam nên rất cần thiết phải xây dựng thành một giải đấu biểu tượng cho quần vợt nước nhà. Chỉ có vậy thì mới khích lệ các tỉnh, thành, CLB đầu tư làm trẻ và mở rộng phát triển đồng đều lực lượng tại chỗ".
Với cách tổ chức như Davis Cup hay Fed Cup chia theo nhóm đánh có lên xuống hạng, ông Kỳ hy vọng không chỉ đội nam, nữ mà cả đội trẻ sẽ tạo nên sân chơi thu hút, có tính quảng bá rộng, mang đến sức bật cho quần vợt Việt Nam.
|
Một thay đổi khác là xây dựng lại giải dành cho các tay vợt chuyên nghiệp. Trước đây, quần vợt Việt Nam vẫn có giải các tay vợt mạnh, sau này gọi là giải 8 tay vợt xuất sắc và thường chỉ diễn ra cuối năm, nhiều khi cũng không thật thu hút vì có lúc không tập trung đông đủ các tay vợt mạnh, có lúc những tay vợt được gọi là mạnh do họ giành được chiến thắng ở những giải đầu năm nhưng đến thời điểm cuối năm lại sa sút phong độ nên chất lượng tranh tài không cao.
Vì thế theo ông Kỳ, giải này sẽ làm lại theo kiểu pro tour như hiện nay với một năm 4-5 giải và cơ cấu tiền thưởng cao để vừa giúp các tay vợt hàng đầu cọ xát nhiều trận, vừa cải thiện thu nhập. Ngoài ra đi kèm với giải nảy sẽ có thêm giải trẻ chuyên nghiệp dành cho VĐV từ 16 đến 18 tuổi và tùy tình hình cũng có thể sẽ có giải dành cho các tay vợt trên 30 đã nghỉ thi đầu đỉnh cao để những bậc đàn anh này có điều kiện quan sát nhiều và từ đó thấy được mặt mạnh mặt yếu của từng tay vợt để truyền lửa cho thế hệ đàn em.
|
|
Việc xây dựng lại chân rết từ các giải phong trào cũng là ưu tiên hàng đầu mà Liên đoàn quần vợt Việt Nam hướng đến. Hiện tại sân chơi phong trào đang rất phong phú với nhiều giải mọi cấp độ với quy mô từ vài chục tay vợt đến cả 400-500 người cùng tham gia rất khí thế. Tuy nhiên do thiếu "đầu tàu" quản lý và đưa vào quy củ nên mỗi nơi giống như’trăm hoa đua nở với nhiểu hệ thống giải đấu mà cách tính điểm đôi lúc cũng khác nhau và cũng đã có những tranh cãi. Vì vậy việc sắp xếp, hình thành một hệ thồng giải đấu phong trào thống nhất từ Bắc chí Nam là điều mà Liên đoàn quần vợt Việt Nam không thể không làm, nhằm xây dựng một hệ thống giải thật sự ổn định, mạnh mẽ và đưa tất cả vào quy củ.
Một trong những điểu kiện tiên quyết khác để quần vợt Việt Nam đứng được trên đôi chân của mình và từ đó luôn tạo ra thế hệ kê thừa có chất lượng là triển khai các học viện. Ông Kỳ cho biết việc tìm quỹ đất và lựa chọn đầu tư sẽ phải kềt hợp với các địa phương có tiềm năng. Trước mắt sẽ lảm thử nghiệm ở Đà Nẵng và 1 tỉnh thành, nếu thuân lợi sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác.
Hy vọng những quyết tâm đổi mới của Liên đoàn quần vợt Việt Nam sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho phong trào và đồng thời tạo lực đẩy mạnh mẽ cho quần vợt Việt Nam trong 2 năm nữa.
Bình luận (0)