Nhiều quán xá, công ty ở Sài Gòn trả mặt bằng, trụ không nổi sau dịch Covid-19 |
thúy hằng |
Con phố thời trang cho giới trẻ Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM những ngày này đã nườm nượp xe cộ trở lại, thay vì đìu hiu lặng lẽ như những tháng trong giãn cách xã hội. Trưa 18.10, gần tới ngày 20.10, ngày phụ nữ Việt Nam, nhiều tiệm thời trang đang bắt đầu dọn dẹp quán xá để kinh doanh trở lại. Song, không ít tiệm vẫn dán thông báo “sang shop”, dỡ tên biển hiệu, treo biển “cho thuê mặt bằng”.
Cà phê, quán ốc kín khách ngồi ăn lại khi TP.HCM chỉ cho bán mang về |
Điện, nước đều... đòi tiền
Đáng chú ý, nhiều tiệm đóng cửa kín mít, phía ngoài cửa chi chít những tờ thông báo của công ty nước và công ty điện lực. Trước nhiều tiệm cà phê và thời trang trên đường Nguyễn Trãi, công ty nước dán thông báo cho biết cửa hàng đóng cửa nên không thể ghi số m3 nước tiêu thụ. Còn công ty điện dán thông báo “cắt điện”, do đã quá hạn chưa thanh toán tiền điện trong nhiều tháng.
Phía trước nhà hàng này dán nhiều thông báo của công ty nước buộc thanh toán hóa đơn và thông báo "cắt điện" |
thúy hằng |
Trước tiệm cà phê lớn trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 cũng có thông báo "cắt điện" của công ty điện lực |
thúy hằng |
Giá thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 không hề thấp. Chủ một tiệm thời trang trên con đường này cho biết, trung bình một mặt sàn để kinh doanh trước dịch có thể trên 40 triệu đồng/tháng.
Trong những tháng Sài Gòn giãn cách xã hội, nhiều chủ nhà đã giảm giá từ 50% tới 70% cho khách thuê, song nhiều chủ tiệm đã trụ không nổi do hoàn toàn không thể kinh doanh gì nhưng vẫn phải trả số tiền lớn trong nhiều tháng. Chưa kể chi phí sinh hoạt trong mùa dịch ở Sài Gòn quá đắt đỏ.
Sau nhiều tháng Sài Gòn giãn cách xã hội, nhiều quán xá đóng cửa, các công ty điện, nước thông báo ngừng cung cấp, yêu cầu thanh toán nhiều tháng còn nợ |
thúy hằng |
“Kinh doanh sau dịch Covid-19 gặp không ít khó khăn, xác định là mỗi người khởi nghiệp “làm lại từ đầu”. May mắn là tiệm cà phê vẫn được khách hàng quen ủng hộ, chủ nhà giảm giá cho tiền thuê mặt bằng”, anh Nguyễn Minh Văn (24 tuổi, quản lý tiệm Laha Café, 259 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận) cho hay.
Bình luận về tình hình kinh doanh ở Sài Gòn sau thời gian giãn cách xã hội, anh Phạm Anh Việt, 25 tuổi, người khởi nghiệp với thương hiệu đồ ăn vặt mang đi Yaourt Showbiz, nói với phóng viên Báo Thanh Niên: "Bức tranh tổng quát về Sài Gòn sau dịch không hẳn là một màu xám... Nhưng vẫn là sự la liệt. Hàng loạt hàng quán sang lại mặt bằng. Quán nhậu, tiệm karaoke trở thành nơi... bán rau, bán trứng. Bởi thực tế, trong tâm dịch các bạn khởi nghiệp, kinh doanh khó 1, thì lúc sau dịch, khởi động khó đến 10. Nào là chi phí mặt bằng trở lại như cũ, chi phí vận chuyển tăng, nhân viên người thì về quê, người thôi việc nên nguồn nhân lực không đủ. Khách hàng thì lại thay đổi hành vi tiêu dùng để phù hợp tình hình kinh tế hiện tại....".
Sang tiệm, trả mặt bằng, ngừng kinh doanh... nhiều người kinh doanh không trụ nổi sau mấy tháng nghỉ dịch, vì chi phí thuê mặt bằng quá cao ở Sài Gòn |
thúy hằng |
La liệt quán xá ở Sài Gòn trả mặt bằng, chủ treo biển "cho thuê nhà" |
thúy hằng |
Trụ không nổi ở "đất vàng"
Sau hơn 2 tuần thành phố trở về nhịp sống bình thường mới, Sài Gòn đã sôi động trở lại, hình thức bán hàng mang về giúp một số cửa hàng nhỏ, lẻ, cần ít nhân viên, dễ vận hành, chi phí mặt bằng không cao có thể hồi phục nhanh.
Song, những hệ thống nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê càng lớn thì việc “gượng dậy” sau dịch gặp không ít khó khăn, nên đành trả mặt bằng.
Trên con đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, thiên đường ăn uống, giải trí của giới trẻ, nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê lớn vẫn đóng cửa. Nhiều tiệm dán thông báo “cho thuê nhà”.
Chúng tôi liên hệ với cửa hàng lẩu Galbi House chi nhánh Phan Xích Long chiều 18.10, cửa hàng cho biết “theo chỉ thị vẫn chưa được nhận khách. 1.11 Galbi sẽ có thông báo mở cửa”. Còn một nhân viên nhà hàng lẩu Hutong Hotpot Paradise Phan Xích Long cho hay hiện tại nhà hàng vẫn bán mang về cho khách, mọi người có thể đặt món qua trang web hoặc điện thoại…
Nhà hàng lẩu trên đường Phan Xích Long bán mang về cho khách, để duy trì hoạt động |
thúy hằng |
Tiệm này thông báo "1.11 sẽ có thông báo tới khách hàng" |
thúy hằng |
Tiệm kinh doanh ngay Ngã 6 Phù Đổng, đất vàng của Sài Gòn trụ không nổi sau dịch, phải trả mặt bằng |
thúy hằng |
Nhiều vị trí “đất vàng” khác tại TP.HCM như khu vực ngã 6 Phù Đổng, Q.1 với giá thuê nhà được tính bằng hàng ngàn đô la, người kinh doanh cũng trụ không nổi sau khi “cơn bão” Covid-19 càn quét qua, đành dỡ các biển hiệu kinh doanh.
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Bến Thành, Q.1, những vị trí đắt đỏ không kém ở Sài Gòn, theo khảo sát của chúng tôi những ngày qua, hàng loạt quán xá như tiệm cà phê, nước ép, hoa tươi, đồ ăn nhanh… cũng đóng cửa im ỉm, trả mặt bằng, phía ngoài dán chi chít thông báo “cho thuê nhà”, “sang tiệm”...
Chia sẻ với người viết, anh Lê Quốc Thạch, 32 tuổi, nhà khởi nghiệp, người sáng lập chuỗi thức ăn nhanh Torki Food, cho hay: "Đa số các cửa hàng phục vụ tại chỗ, mặt bằng rộng thì đóng cửa hoặc trả mặt bằng vì để duy trì được cửa hàng cần lượng nhân công nhiều, chi phí thuê cao trong khi sức mua thấp, hiện tại chỉ cho phép bán mang đi, không cho ăn uống tại chỗ. Một số chuỗi cà phê lớn, quen thuộc với giới trẻ như The Coffee House cũng phải đóng cửa khá nhiều cửa hàng".
Chợ Hồ Thị Kỷ mở lại, khách thỏa cơn thèm sau 4 tháng đợi chờ |
Cơ hội chuyển dịch mô hình mới
Theo người sáng lập chuỗi thức ăn nhanh Torki Food, việc đóng cửa hàng của những chuỗi có thể là hành động cắt giảm để bớt gánh nặng về tài chính, chứ chưa hẳn là đóng cửa hẳn. Trong khó khăn hậu Covid-19, cũng là cơ hội của nhiều người.
"Họ có thể dịch chuyển, dồn tiền đầu tư sang mô hình khác, hoặc tạm thời thu hẹp chuỗi. Trên thị trường hiện đang xuất hiện những ông lớn mới như Phindeli của Nova F&B cũng mở rộng các cửa hàng… Điều đó lý giải là một số hãng mới nổi sẽ xuất hiện giai đoạn này thế chỗ những ông lớn đang trả mặt bằng", anh Lê Quốc Thạch nhận định.
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1 cũng nhiều cửa hàng dỡ biển hiệu |
thúy hằng |
Theo anh Phạm Anh Việt, bức tranh khởi nghiệp ở Sài Gòn "bình thường mới" không hoàn toàn là một màu xám. Trong "nguy" có "cơ", nhiều quán xá trả mặt bằng, song một số người đã chuyển hướng đi thành công. "Tôi nghĩ rằng tình hình kinh doanh ở Sài Gòn có thể phải mất 6 tháng đến 1 năm sau mới ổn trở lại. Bạn trẻ khởi nghiệp nên nắm bắt tình hình thực tế, từ đó có hướng đi thích hợp hơn. Tôi cho rằng thời gian này không nên đầu tư quá lớn, nên chọn con đường an toàn, chậm mà chắc", anh Việt trao đổi.
Bình luận (0)