PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm về những chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là những định hướng cho người trẻ trong dòng chảy chuyển đổi số đầy cơ hội nhưng cũng lắm thách thức ở hiện tại.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Lựa chọn chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” ngay trong thời điểm mà nền kinh tế đất nước chịu nhiều ảnh hưởng lớn khi trải qua dịch Covid-19, có phải T.Ư Đoàn muốn thể hiện rõ tính hành động của thanh niên trong việc tham gia phát triển cho nền kinh tế đất nước, thưa anh?
Năm 2020 là năm mà nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế của đất nước ta nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức dưới sự tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi tổng kết lại năm 2020, kinh tế Việt Nam là một trong số rất ít nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng dương.
Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo rất sáng suốt và quyết liệt của Chính phủ cũng như sự nỗ lực, cố gắng và linh hoạt thích ứng nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có sự tham gia rất tích cực của các doanh nghiệp khởi nghiệp của thanh niên.
Trước bối cảnh như vậy, bước vào năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, T.Ư Đoàn lựa chọn chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” là chủ đề công tác đã thể hiện rõ tính hành động của Đoàn trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tham gia thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn 2025, 2030, 2045 được đặt ra trong nghị quyết.
Lựa chọn chủ đề này không chỉ khẳng định sự quyết tâm các cấp bộ Đoàn trong việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp mà còn truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên tự tin trong lao động, sản xuất, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Xin anh cho biết T.Ư Đoàn đã có những chính sách và hỗ trợ gì cho thanh niên trong vấn đề khởi nghiệp?
Hiện nay các cấp bộ Đoàn trong cả nước đang tập trung triển khai đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2022, trong đó tập trung hỗ trợ 3 nhóm đối tượng thanh niên là: sinh viên, thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp và các doanh nhân trẻ, chủ cơ sở sản xuất mới đăng ký kinh doanh. Đề án cũng xác lập rõ các nhóm nội dung chính là: nâng cao nhận thức của cán bộ Đoàn các cấp và thanh niên về khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; xây dựng chương trình hỗ trợ vốn; hỗ trợ xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm…
T.Ư Đoàn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng thời vận động, kết nối các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng của thanh niên.
|
Cơ hội đang chờ đón bạn trẻ khởi nghiệp
Người trẻ khởi nghiệp phải đối diện nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng trong nguy có cơ, vậy những cơ hội nào đang chờ đón các bạn trẻ khởi nghiệp, thưa anh?
Như chúng ta đều biết, đại dịch là một trong những yếu tố tác động phi truyền thống ảnh hưởng sâu rộng và đa chiều tới các lĩnh vực kinh tế và khởi nghiệp không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, ngay khi nhiều quốc gia còn đang lúng túng với phương thức ứng phó thì Việt Nam đã có những chương trình hành động quyết liệt “Chống dịch như chống giặc” và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Mặc dù chịu sự ảnh hưởng xấu do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, các thanh niên khởi nghiệp vẫn rất tự tin để bình tĩnh, cùng các tổ chức hỗ trợ đã tìm ra được những giải pháp với mục tiêu rất thực tiễn, sống còn “tìm cơ hội trong nguy cơ”.
Nhiều bạn trẻ đã chuyển hướng kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, đồng thời ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp; song song với tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy marketing; thương mại điện tử và đặc biệt là khai thác tài nguyên bản địa, tối ưu hóa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã tạo nên giá trị đột phá.
Năm 2020, nền kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm vì dịch bệnh Covid-19 nhưng Việt Nam là một trong 3 quốc gia có chỉ số dương, đây là một trong những điểm sáng rất hiếm hoi của nền kinh tế ảm đạm trên toàn cầu. Vậy theo anh, người trẻ khởi nghiệp đã góp phần những gì vào điểm sáng này?
Hòa cùng dòng chảy của nền kinh tế, các bạn trẻ khởi nghiệp cũng đã chủ động sáng tạo và thiết thực đóng góp cho thành tựu chung của đất nước. Điều mà chúng tôi thấy tự tin và rất đáng tự hào là ngay trong kết quả khảo sát giữa đại dịch, các bạn khởi nghiệp đã cho thấy sự sáng tạo, không lùi bước của mình. Bạn trẻ khởi nghiệp đã có những ý tưởng, giải pháp sáng tạo để hỗ trợ các y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, tiêu biểu như: robot, mặt nạ, máy thở, máy rửa tay tự động…
Theo tôi, chính sự sáng tạo của thanh niên nói chung và thanh niên khởi nghiệp nói riêng đã góp phần chung tay tạo nên phòng tuyến chống dịch rất hiệu quả của nước ta; từ đó khống chế được dịch bệnh và từng bước giúp nền kinh tế phục hồi, phát triển.
Nhiều nhà khởi nghiệp trẻ thành công nhờ chuyển đổi số
Anh đánh giá như thế nào về khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp của người trẻ hiện nay, đặc biệt là từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện?
Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, có doanh nghiệp thậm chí phá sản. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để có thể tồn tại, phát triển.
Những người trẻ đã và đang đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế trên nền tảng khoa học công nghệ. Thực tế, nhiều thanh niên khởi nghiệp đã vô cùng chủ động cùng đất nước tham gia hiệu quả chuyển đổi số, nhiều nhà khởi nghiệp trẻ đã đưa doanh nghiệp khởi nghiệp của mình vượt Covid-19 thành công nhờ chuyển đổi số. Những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do thanh niên làm chủ trong thời gian qua đạt nhiều thành công vang dội chính là minh chứng điển hình nhất cho nhận định này.
Mặc dù có thể nói khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam là tương đối tốt, tuy nhiên nhiều thanh niên khởi nghiệp lại quá chú trọng vào yếu tố công nghệ mà quên mất các yếu tố khác như thị trường, kỹ năng, thông tin… để khởi nghiệp thành công.
Các cấp bộ Đoàn, Hội đã và đang xây dựng các nội dung, giải pháp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp có được định hướng tốt giữa dòng chảy chuyển đổi số trong bối cảnh hiện tại, làm sao để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể cho ra đời được những sản phẩm công nghệ gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân, đất nước; tận dụng được các lợi thế về khoa học công nghệ để bứt phá và phát triển.
Anh có những đề xuất gì để khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên có được những bước phát triển mạnh mẽ hơn?
Cá nhân tôi thấy rằng cần một cơ chế thật mở để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát huy hết khả năng của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép và kích thích sự sáng tạo của người trẻ nhiều hơn.
Sự vào cuộc trách nhiệm hơn của cộng đồng doanh nghiệp lớn, phải coi mình là bà đỡ của các dự án khởi nghiệp và cần có cơ chế để khích lệ trách nhiệm của doanh nghiệp trong mục tiêu thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, các chính sách về vốn và thu hút vốn cần phải cởi mở và thuận lợi cho nhóm dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư phải được đa dạng, các điều kiện pháp lý để thành lập, đầu tư và rút vốn cho lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải đơn giản hơn và hiệu quả hơn...
Bình luận (0)