Khách đến dự hội thảo chuyên đề về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đều nhận được quà tặng là một cuốn sách ảnh bìa cứng dày 157 trang. Trên bìa rõ ràng slogan của ngành du lịch - Việt Nam vẻ đẹp bất tận bên cạnh tên sách Vẻ đẹp miền Trung. Rất nhiều ảnh được sử dụng, chỉ có điều, không có thông tin du lịch cũng như điểm nhấn về các dịch vụ của các điểm tham quan.
|
Nhận định một đằng, thực hiện một nẻo
Ngành du lịch trong báo cáo cũng thừa nhận những khách quay lại lần thứ hai ở Việt Nam đều không phải vì phong cảnh. Điều đó cho thấy các hoạt động văn hóa, sự thám hiểm văn hóa mới là điều quan trọng trong chiến lược giữ chân du khách. Tuy nhiên, hoạt động văn hóa dường như lại không được quảng bá bài bản. Một ví dụ, trong khi “dự án” đưa Việt Nam thành bếp của thế giới đang được soạn thảo, thì những hình ảnh về ẩm thực lại hoàn toàn vắng bóng trong nhiều cuốn thông tin du lịch. Chúng ta cũng chưa có những clip ngắn giới thiệu sản phẩm tốt, càng chưa dựa vào những mạng xã hội như Facebook và Twitter một cách có hệ thống.
|
Kinh phí ít
Cũng tại hội thảo, vấn đề kinh phí lại được nêu ra. Trong đó, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, số tiền nhà nước chi cho quảng bá xúc tiến du lịch quá ít. Trong khi việc phải làm lại rất nhiều, từ nghiên cứu đến xác định chiến lược, tham gia hội chợ và mở các chiến dịch truyền thông. “Kinh phí quảng bá của cả Tổng cục Du lịch là 1,5 triệu USD/năm, khiêm tốn hơn so với 100 triệu USD/năm của Thái Lan. Có những công ty du lịch lớn trong nước chi lớn hơn cả ngân sách nhà nước chi cho quảng bá du lịch”, ông Tuấn cho biết.
Vấn đề là tiền chi cho quảng bá đã ít, cách thức chi quảng bá lại càng phải linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, một số chiến dịch quảng bá có sự tham gia của Tổng cục lại có những trục trặc khiến công chúng lo ngại. Mới nhất là việc treo quảng bá nhầm cho tượng Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc) tại hội chợ du lịch Đức. Hội chợ này, theo chính ngành du lịch, là một sự kiện lớn và chúng ta đã phải cố gắng để có mặt tại đó.
Thiếu chiến lược
Còn nhớ, trong một cuốn sách, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển Đà Nẵng - TS Trần Đức Anh Sơn kể lại chuyện được một phóng viên ảnh tự do ở Berlin tặng cuốn lịch phong cảnh Thái Lan do chính anh ta chụp. Lúc đó là đầu tháng 8, nhưng người Thái đã có lịch cho năm mới tiếp theo. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện du lịch. “Lịch được in xong từ đầu tháng 7 và được gửi tặng tất cả các hãng lữ hành ở Đức, Áo, Thụy Sĩ và nhiều nước châu u khác”, ông Sơn cho biết.
Chi phí cho một cuốn lịch như vậy chưa chắc cao bằng in cuốn sách Vẻ đẹp miền Trung. Tuy nhiên, đường đi của cuốn lịch đã được nối dài bởi mục đích quảng bá rõ ràng của người Thái. Họ tính trước hàng năm cho công việc quảng bá cần làm. Còn chúng ta, cho đến giờ vẫn trong cảnh họp bàn về năm du lịch ở một địa phương nào đó trước chỉ vài tháng. Thậm chí, cho đến ngày sự kiện diễn ra, sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương vẫn chưa được xây dựng.
Hội nghị chuyên đề về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch diễn ra hôm qua tại Hà Nội, do Tổng cục Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ. Tham dự có các trung tâm xúc tiến du lịch trên cả nước cũng như một số doanh nghiệp du lịch. |
Trinh Nguyễn
>> Vụ "quảng bá cho du lịch Trung Quốc": Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận trách nhiệm
>> Tổng cục Du lịch quảng bá cho du lịch Trung Quốc?
>> Ông Nguyễn Quốc Kỳ thôi làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
>> Lạ lùng chuyện bổ nhiệm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
>> Từng nhận hối lộ, làm sao leo lên đến chức Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?
>> Tổng cục Du lịch và Vietnam Airlines hợp tác xúc tiến du lịch
>> Bình Thuận: Tổng cục du lịch phát động tuần lễ bảo vệ môi trường
>> Vietravel nhận giải thưởng của Tổng Cục Du lịch Thái Lan
Bình luận (0)