Expo 2015 ở Milan là một cơ hội để hút khách tới nước Ý. Hiểu rõ điều này, cuối tuần qua, Đại sứ quán Ý tại Hà Nội có một tiệc nhỏ để những người đang đưa khách Việt tới Ý tham quan có thể tiếp xúc với truyền thông. Người làm tour, người mở đường bay đều tới dự.
Tiệc đặt trong không gian nhỏ, chính giữa lối vào có một phiên bản Vespa cực nuột - niềm tự hào của công nghiệp sáng tạo Ý. Sứ quán cũng giới thiệu mô hình nhà VN tại triển lãm Expo 2015 - kiến trúc được chính thủ tướng nước này đưa lên Facebook của mình.
Một cách quảng bá hình ảnh nhỏ nhắn, kinh tế, hướng tới mục tiêu hình ảnh rõ ràng. Nó vừa lấy lòng khách Việt bằng lời mời sao không đến Ý thăm nhà VN, tất nhiên, tiện thể thăm cả nền văn hóa Ý. Nó vừa tự tin với giá trị riêng rất lịch lãm, rất lâu đời mà vẫn hiện đại là chiếc Vespa.
Quảng bá hình ảnh quốc gia cho thật hấp dẫn cũng là một cách làm siêu thương hiệu. Nó luôn phải có cả sự lịch lãm, mực thước lẫn sáng tạo trong đó. Như thương hiệu lớn mà tôi vẫn thực hiện trưng bày - Hermes, họ luôn đòi hỏi đẹp và kỹ lưỡng, giàu ý tưởng tới từng milimet.
Nhìn cách Sứ quán Ý tiếp thị du lịch với hình ảnh “trong ruột” Nhà VN tại Expo Milan, thấy thật buồn cho chúng ta. Ở Nhà VN tại Ý, những đồ vật trưng bày lẻ tẻ, thiếu tinh xảo chỉ khá hơn đồ lưu niệm hàng chợ phố cổ một tí. Lý do, như nhà tổ chức phân trần, do “kinh phí cho trưng bày eo hẹp”, đến mức tiền mua mứt sen mời khách cũng không đủ.
VN, tính tới nay, đã tham dự 5 kỳ Expo. Mỗi kỳ cách nhau 5 năm. Nghĩa là, hoàn toàn có thể tính toán sao cho đủ tiền mua mứt sen có chứng chỉ vệ sinh thực phẩm mời khách. Hiện vật trưng bày cũng phải tính toán cho vừa túi. Doanh nghiệp nào muốn quảng bá cũng lập trình được. Quan trọng hơn là cân đối sao cho chi tiêu sát sạt mà vẫn sang, vẫn toát lên thần thái văn hóa, chứ không úi xùi “dễ làm khó bỏ”. Đã xác định làm quảng bá văn hóa, đất nước thì tinh thần văn hóa phải sáng rỡ, chứ không thể chập chờn như đèn điện mùa cắt điện, sáng kiểu may nhờ rủi chịu được.
Nhà VN ở Expo 2015 đã tiêu ít nhất 57 tỉ đồng ngân sách, chưa kể tiền xã hội hóa. Để được tiêu khoản tiền đó, dù “eo hẹp”, Bộ VH-TT-DL đã phải lập cả một đề án trình Thủ tướng. Đề án như lời cam kết trong đó mục tiêu ra sao, thực hiện thế nào đều có cả. Cam kết cả với Thủ tướng, cả với bản sắc văn hóa, rằng sẽ làm được như vậy.
Vì thế, sự sơ sài trong ruột của Nhà VN tại Expo 2015 không chỉ là quảng bá hình ảnh chập chờn, nó còn là thể hiện của việc hứa mà không làm được, cam kết mà không thực hiện nổi của ngành VH-TT-DL trong nhiệm vụ được giao. Quảng bá hình ảnh quốc gia, đâu thể như vậy.
Bình luận (0)