Nhiếp ảnh tiết kiệm, ẩm thực nặng ký, điện ảnh lay động…
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), là người có nhiều năm gắn bó với việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người VN. Theo ông Hoàng, nhiếp ảnh mang lại khả năng quảng bá rất hiệu quả, trực diện, ấn tượng, gần gũi với công chúng và chi phí tổ chức sự kiện thấp. Ẩm thực luôn là lĩnh vực quảng bá nặng ký do nhu cầu cao của công chúng và thương hiệu mạnh của ẩm thực Việt. Ðiện ảnh là nghệ thuật tổng hợp dễ tạo cảm xúc và sức lay động người xem. Thời trang ngày càng mạnh nhờ một thế hệ các nhà thiết kế đã chạm vào tệp khách là ngôi sao thế giới…
Mặc dù vậy, theo ông Hoàng, nhờ tính trực quan hấp dẫn, tính đại chúng, tính sôi động, âm nhạc có tính tương tác cao hơn hẳn các loại hình khác. Âm nhạc còn bổ trợ cho các loại hình khác như nhảy múa, ẩm thực, triển lãm… "Có thể chính vì vậy, khi nhìn vào những sự kiện cụ thể, có thể nói âm nhạc bao gồm cả đương đại và truyền thống đang có tần suất xuất hiện cao hơn so với các loại hình nghệ thuật khác khi được chọn làm công cụ quảng bá văn hóa VN", ông Hoàng cho biết.
Nói đến quảng bá VN, quảng bá quốc gia, phải nói đến Expo. Trong số những cố gắng đưa hình ảnh VN đến với thế giới, có một sự kiện được đánh giá quan trọng là Expo - một trong 3 sự kiện lớn nhất toàn cầu bên cạnh Olympic và World Cup. Là diễn đàn quảng bá quốc gia lớn nhất thế giới với hơn 170 năm lịch sử, Expo quy tụ tất cả các nước trên thế giới tham gia ở cấp độ nhà nước trong 6 tháng.
Theo ông Trần Nhất Hoàng, trong 3 lần tham gia gần đây nhất, VN đều có những thành tựu cụ thể, lượng hóa được. Expo Thượng Hải 2010, Nhà VN tại đó được làm bằng tre, được truyền thông chú ý, quảng bá đến khoảng gần 80 triệu khách tham quan. Expo 2015 Milan, nhà tre của Võ Trọng Nghĩa đoạt giải quốc tế về thiết kế môi trường, được 169 trang báo chí nhắc tới. Expo 2020 Dubai, Nhà triển lãm VN có giải Diễn giải chủ đề xuất sắc trong số 192 nhà triển lãm tham dự. "Nhờ đó, đề án tham dự Expo 2020 Dubai của Bộ VH-TT-DL được giải nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Ban Tuyên giáo T.Ư trao tặng", ông Hoàng cho biết.
cần luật hóa chủ trương
Nhận biết được hết cái hay, cái tốt của quảng bá văn hóa VN ra thế giới là vậy, nhưng việc đưa văn hóa ra thế giới vẫn đang ở trong tình trạng mạnh ai nấy làm chứ chưa có quy định thật cụ thể. Với điện ảnh, hiện tại các bộ phim đi dự liên hoan phim (LHP) quốc tế đều trông vào sự năng động của ê kíp sản xuất là chính. Chưa kể, quá trình sản xuất những bộ phim này luôn cho thấy hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài, chứ chưa phải quỹ văn hóa trong nước hoặc nhà nước. Mới nhất, Những đứa trẻ trong sương vào top 15 phim tài liệu tại Oscar nhận tài trợ của quỹ điện ảnh Busan Hàn Quốc, một số quỹ khác của châu Á. Nhờ đó, đạo diễn Hà Lệ Diễm có kinh phí trả lương cho khâu dịch tiếng Mông cũng như dựng phim, hậu kỳ. Miền ký ức của Bùi Kim Quy, trước khi tới LHP Busan cũng nhận tài trợ của Quỹ phát triển kịch bản thuộc Quỹ điện ảnh ASEAN tại Busan 2016…
Việc cổ vật Việt ra nước ngoài cũng ở trong tình trạng thường xuyên phải có sự "tiếp sức" từ nước ngoài. Năm 2017, trưng bày đặc biệt Báu vật khảo cổ học VN diễn ra tại Bảo tàng khảo cổ học LWL, Ðức. Trưng bày này có sự tham gia của nhiều bảo tàng VN như Bảo tàng Lịch sử quốc gia (chủ trì), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lâm Ðồng, Bảo tàng Bình Dương, Bảo tàng Hùng Vương, Bảo tàng Tổng hợp Ðồng Tháp, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn. Hơn 400 hiện vật quý, thậm chí thuộc hàng báu vật được mang đi giới thiệu như: vỏ thuyền cổ, trống đồng Ðông Sơn, đồ tùy táng, giáo bằng ngọc và những đầu rồng lớn… Tuy nhiên, kinh phí của vận chuyển, bảo hiểm, trưng bày đều do phía bạn hỗ trợ.
Với tác phẩm mỹ thuật, việc đưa ra nước ngoài quảng bá văn hóa VN được làm nhiều hơn, song cũng ở thế phụ thuộc "túi tiền" bạn bè. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, cho biết bảo tàng trong chục năm gần đây cũng đưa nhiều tác phẩm ra nước ngoài giới thiệu. Năm 2013, bảo tàng đưa tranh dân gian sang Trung tâm văn hóa VN tại Pháp. Cùng năm đó, bảo tàng đưa tranh danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sang Bảo tàng Nhân học và khảo cổ học (Anh). Năm 2015, đưa tranh Nguyễn Ðức Nùng sang Singapore. Năm 2019, đưa các tác phẩm của Lê Thanh Trừ, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lê Quốc Lộc… sang Hàn Quốc… "Có những lần bảo hiểm lên tới vài triệu USD. Chúng tôi cũng phải có phía bạn hỗ trợ mới đưa tác phẩm ra nước ngoài được", ông Minh nói.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Ðiện ảnh, cho biết việc hỗ trợ các đạo diễn đưa phim ra nước ngoài, cũng như quảng bá hình ảnh văn hóa VN qua điện ảnh hiện vẫn là chủ trương của nhà nước. Mặc dù vậy, chủ trương cũng cần được luật hóa mới có thể thực hiện dễ dàng. Cục Ðiện ảnh cũng luôn có tinh thần hỗ trợ các hoạt động quảng bá hình ảnh qua điện ảnh, song có hẳn một khoản tiền cho việc đó rất khó. "Chủ trương cũng phải được luật hóa thì mới dễ dàng được", ông Vi Kiến Thành nói.
Thúc đẩy mở Trung tâm văn hóa VN tại Trung Quốc
Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL) cho biết gần đây trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước có đề cập việc thúc đẩy mở Trung tâm văn hóa VN tại Trung Quốc, như Trung Quốc đã có trung tâm văn hóa tại VN.
Thủ tướng Chính phủ từng phê duyệt Đề án thành lập các trung tâm văn hóa VN tại nước ngoài (như tại Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ), nhưng vì những lý do khách quan, ta chưa triển khai được các trung tâm văn hóa theo đề án này.
Cũng theo Cục Hợp tác quốc tế, hiện có 2 trung tâm văn hóa VN tại Pháp (thành lập 2008) và tại Lào (1995). Hai trung tâm này có nhiều hoạt động quảng bá văn hóa như liên hoan nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, các cuộc thi viết, dạy tiếng Việt, dạy võ VN, dạy nhạc cụ dân tộc. Trung tâm văn hóa VN tại Lào cũng hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Thái Lan, phối hợp đưa các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn.
Bình luận (0)