Báo chí chung tay quảng bá hình ảnh thành phố mang tên Bác

20/06/2022 21:32 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm đội ngũ những người làm báo trên địa bàn TP.HCM sẽ là lực lượng xung kích trong việc quảng bá hình ảnh con người và TP năng động, sáng tạo, đổi mới và phát triển mạnh mẽ.

Tối 20.6, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt thân mật các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Cùng dự có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng đại diện nhiều bộ, ngành T.Ư, TP.HCM và các cơ quan báo chí.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi đại diện các cơ quan báo chí

sỹ đông

Gửi lời chúc mừng đến đội ngũ những người làm báo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các cơ quan báo chí, phóng viên đã luôn lăn xả trên các lĩnh vực, phản ánh sinh động mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống đất nước, nhất là trong đại dịch Covid-19.

Chủ tịch nước đánh giá báo chí đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban trong việc đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Do đó, Chủ tịch nước đề nghị báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước.

Báo chí tham gia vào xây dựng nhà nước pháp quyền

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần đề cập nhiều hơn nữa về vấn đề mà người dân quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình.

“Đó cũng là cách chúng ta góp phần giúp ngăn ngừa đốm lửa nhỏ, nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng”, Chủ tịch nước dẫn chứng.

Với chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí sẽ giúp nâng cao công khai, minh bạch hoạt động quản lý hành chính Nhà nước cũng như quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạch định chính sách.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo chí tham gia xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

sỹ đông

Trên cương vị là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí cùng đội ngũ những người làm báo cả nước cần nhận thức sâu sắc về hơn nữa vai trò và trách nhiệm chính trị của báo chí trong vấn đề này.

“Các cơ quan báo chí cần xây dựng những chuyên trang, chuyên mục về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mở ra những cơ hội để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, Chủ tịch nước yêu cầu.

Chủ tịch nước cũng gửi gắm đội ngũ những người làm báo trên địa bàn TP.HCM sẽ là nhân tố tích cực, là lực lượng xung kích trong việc quảng bá hình ảnh con người và TP mang tên Bác Hồ luôn năng động, sáng tạo, đổi mới và phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội để xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của người dân.

Báo chí nhận được tình cảm lớn của lãnh đạo TP.HCM

Thay mặt đội ngũ những người làm báo trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết trong dịch Covid-19, các cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động đi vào tâm dịch để phản ánh cuộc sống người dân, các chính sách phòng chống dịch của Chính phủ và TP.HCM. Trong quá trình đó, hàng trăm phóng viên bị nhiễm Covid-19, 4 nhân viên không qua khỏi.

Nhà báo Trần Trọng Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt

sỹ đông

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đề nghị Chủ tịch nước quan tâm, có ý kiến với các bộ ngành hỗ trợ, phối hợp các cơ quan báo chí về chuyển đổi số; giám sát các vấn đề mà cử tri kiến nghị, thông tin kịp thời đến cơ quan báo chí, để truyền đạt đến người dân TP về hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và cá nhân Chủ tịch nước.

Hướng tới sự tử tế, nhân văn

Đồng quan điểm, Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM Lý Việt Trung cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ báo chí trong công tác chuyển số, tận dụng mạng xã hội chính thống thành dòng thông tin chủ lưu.

Hiện báo chí chính thống đang phải cạnh tranh gay gắt với các nền tảng mạng xã hội, nguồn thu sụt giảm nên bà Lý Việt Trung kiến nghị cơ quan chức năng quản lý chặt các nền tảng này, để không thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đối với Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bà Lý Việt Trung kiến nghị Chủ tịch nước cho phép báo chí tiếp cận dự thảo đề án để tuyên truyền với các hình thức đa dạng hơn, tạo sự đồng thuận xã hội trong nhân dân.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ tại buổi gặp mặt

sỹ đông

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ, qua hình ảnh báo chí lăn xả trên mặt trận chống dịch, người dân càng tin tưởng báo chí hơn. Cũng như nhiều cơ quan báo chí khác, những người làm Báo Thanh Niên trong những ngày khốc liệt đã trả giá rất đắt về nhân mạng, kinh tế báo chí, trong đó báo in đã tạm ngừng xuất bản trong 15 ngày.

"Trong 15 ngày, chúng tôi hiểu được tình người, sự tử tế, bao dung của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch nước đã gọi điện thăm hỏi. Chúng tôi cũng rơi nước mắt khi những ngày tòa soạn đóng cửa, đoàn công tác đặc biệt của T.Ư và TP.HCM đã đến tòa soạn và đến tận nhà nạn nhân thăm hỏi”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ và cho biết những tình cảm đó thôi thúc Báo Thanh Niên phải sống hào hiệp hơn, nhân văn hơn, tử tế hơn, tin cậy hơn.

Tổng biên tập Báo Thanh Niên cũng cho biết qua dịch bệnh, mới thấy được sự tận tâm tận lực, chủ động cung cấp thông tin tới báo chí như TP.HCM thông qua Trung tâm báo chí, nhất là buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi qua hình thức livestream.

Trong và sau đại dịch Covid-19, kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn nên nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn kiến nghị Chủ tịch nước quan tâm, có ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giảm thuế cho cơ quan báo chí chính thống, để báo chí phản bác các thông tin xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới.

Phản ánh sự vận động, trưởng thành của TP

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ vinh dự khi TP được tổ chức ngày Báo chí cách mạng trong không khí ấm cúng với sự tham dự Chủ tịch nước và đoàn công tác bằng những tình cảm chân tình, chỉ đạo sâu sắc. Người đứng đầu chính quyền TP cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới đội ngũ người làm báo đã đồng hành với TP trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

sỹ đông

Tiếp thu gợi mở của Chủ tịch nước, ông Phan Văn Mãi mong các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh kịp thời, chính xác với sự vận động, trưởng thành của TP, kể cả mặt chưa được, chỉ ra những mặt cần cải thiện để xây dựng TP tốt hơn.

Chia sẻ những khó khăn của cơ quan báo chí sau đại dịch Covid-19, ông Mãi cho biết TP sẽ có trách nhiệm cùng các cơ quan tháo gỡ, giải quyết để hoạt động báo chí duy trì và phát triển, nhất là chuyển đổi số, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với báo chí.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP.HCM tặng quà cho đại diện các cơ quan báo chí

sỹ đông

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng mong được các cơ quan báo chí góp ý, trao đổi, chia sẻ thường xuyên, có thể thông qua Hội Nhà báo, Sở TT-TT, Ban Tuyên giáo Thành ủy để trao đổi, nắm bắt thông tin kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.