Quảng Bình: Nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc thiểu số về tục tảo hôn

Bá Cường
Bá Cường
06/05/2022 07:35 GMT+7

Quảng Bình là một trong 4 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện dự án 'Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số ' (EMPoWR), do tổ chức Plan International thực hiện.

Chiều 5.5, tại trụ sở Tỉnh đoàn Quảng Bình, hội thảo Truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến Em Vui nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người đã được tổ chức qua hình thức trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội, với sự tham gia của 4 tỉnh, thành Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị.

Toàn cảnh hội thảo được tổ chức trực tuyến tại tỉnh Quảng Bình

Bá Hoàng

Hội thảo nhằm nhằm giới thiệu nền tảng “Em Vui” tới các cơ quan báo chí – truyền thông và phát động chương trình “100 thông điệp về nạn buôn người, nạn tảo hôn, về dự án và về nền tảng Em Vui” với sự chung tay của các cơ quan truyền thông và mạng xã hội.

Đây là nền tảng thiết kế bằng kỹ thuật số nhằm trang bị cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số kiến thức, kỹ năng về tảo hôn và nạn mua bán người. Qua đó, có kinh nghiệm, tự tin phòng tránh, bảo vệ bản thân.

Ứng dụng Em Vui đã có mặt trên các cửa hàng ứng dụng của hai hệ điều hành IOS và Android

Chụp màn hình

Tại Quảng Bình hiện có nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều, Chứt, A rem… sinh sống tập trung tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa. Trong đó, đặc biệt dân tộc Vân Kiều vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn với thống kê khoảng 100 cặp tảo hôn/năm. Bên cạnh đó, việc buôn bán người qua biên giới vẫn còn xảy ra với các bản thuộc biên giới của tỉnh.

Qua hội thảo, chị Lê Thị Ngọc Hà, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Bình, hy vọng dự án trên sẽ được phổ biến rộng rãi đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình.

Chị Lê Thị Ngọc Hà, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Bình, phát biểu tại hội thảo

Bá Hoàng

“Nền tảng “Em Vui” được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy với nhiều thông tin bổ ích và lý thú để các bạn thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu và chia sẻ kiến thức. Hy vọng qua dự án trên, sẽ giúp ích cũng như góp phần đẩy lùi các vấn nạn còn tồn tại cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, chị Hà nói.

Được biết, dự án Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số, được triển khai từ tháng 7.2020 đến tháng 6.2023 tại 52 xã, 11 huyện thuộc 4 tỉnh trên. Dự án có sự đồng tài trợ của Liên minh châu Âu và Plan International Bỉ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.