Quảng Nam, Đà Nẵng: Cùng quản lý Vu Gia-Thu Bồn

25/11/2016 08:07 GMT+7

Một thỏa thuận quan trọng dự kiến được 2 địa phương ký kết trong năm 2016 nhằm tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển.

Lo an ninh nguồn nước
Ngày 24.11, tại TP.Hội An (Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Quản lý tổng hợp (QLTH) lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng” với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn là một trong số lưu vực sông lớn ở nước ta có ảnh hưởng trực tiếp xuống vùng bờ biển Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông và vùng bờ Quảng Nam, Đà Nẵng. “Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, là yếu tố trở ngại cho phát triển kinh tế-xã hội của cả 2 địa phương trong tương lai”, PGS.TS Hồi nhận định.
Với nhận định lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ hội tụ các đặc trưng cơ bản, các chuyên gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) đã chọn làm trường hợp nghiên cứu điển hình ở VN và thử nghiệm cơ chế phối hợp liên tỉnh trong QLTH lưu vực sông và vùng bờ. “Nếu thực hiện tốt được, đây sẽ là mô hình nên nhân rộng cho các lưu vực sông khác có điều kiện tương tự ở nước ta”, ông Nguyễn Chu Hồi cho biết thêm.
Thành lập ban điều phối liên vùng
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác giữa Hải Phòng-Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết dự án hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Cụ thể, công tác quản lý vùng bờ được tăng cường. Việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo tồn sinh thái và bảo vệ môi trường hài hòa hơn, khuyến khích các bên liên quan tham gia rộng rãi các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong vùng…
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế cũng như trong nước đã đưa ra nhiều ý kiến để hoàn thiện thỏa thuận QLTH lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng bản dự thảo đã được 2 địa phương lấy ý kiến các ngành và được lãnh đạo tỉnh, TP thông qua. Về nội dung phối hợp, sau khi thỏa thuận có hiệu lực các bên liên quan sẽ thành lập ban điều phối chung, gồm: lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan chủ chốt có liên quan đến quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng.
Cơ quan đầu mối của ban điều phối là Sở TN-MT của 2 địa phương. Trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài trong 3 năm (2017-2020), 2 bên sẽ thực hiện các nguyên tắc cơ bản của QLTH lưu vực sông và vùng bờ biển. Ban điều phối cử luân phiên trưởng ban và bàn giao tại cuộc họp định kỳ 6 tháng/lần. TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và KHCN (Tổng cục Biển và Hải đảo VN) kiêm Trưởng ban điều phối quốc gia MFF VN cho rằng, với những kinh nghiệm phối hợp quản lý lưu vực đã có ở VN và những kinh nghiệm từ cơ chế điều phối, hợp tác liên vùng, liên quốc gia trên thế giới và trong khu vực đông Á, bản thỏa thuận phối hợp sẽ giúp Quảng Nam và TP.Đà Nẵng phối hợp quản lý tốt hơn lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển để phát triển bền vững.
Kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi mong muốn trên cơ sở ghi chép và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo 2 địa phương sẽ ký thỏa thuận trong năm 2017. Theo đó, đến quý 1/2017 sẽ triển khai thành lập và cho ra “hình hài” của một ban điều phối chung. Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định sau khi chỉnh sửa, bản thỏa thuận sẽ được 2 bên ký kết trong thời gian sớm nhất. Nhấn mạnh đến lợi ích chung của 2 địa phương, ông Thanh cho biết, thỏa thuận mang tính liên vùng, liên ngành nên khi có sự việc của một ngành nào đó cần xử lý liên quan đến lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn, ban điều phối sẽ chủ trì để cùng ngồi lại với nhau hội ý.
Dự thảo thỏa thuận của Quảng Nam, Đà Nẵng nhìn nhận, thông qua QLTH lưu vực sông và vùng bờ cần phải khắc phục và giải quyết việc phát triển thủy điện với mật độ cao ở thượng nguồn gây tác động lớn đến môi trường và các hệ sinh thái trên toàn lưu vực. Thủy điện cũng gây mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước với các ngành dùng nước khác như: nông nghiệp, nước cho sinh hoạt, môi trường... Phần lớn lượng phù sa đưa xuống hạ lưu bị thay đổi, làm mất cân bằng động học dòng sông, gây thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi, tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa, thiếu nước mùa khô... Bên cạnh đó, nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi trái phép trên sông cũng là những tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, gây biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra việc phát triển thiếu bền vững và ô nhiễm vùng bờ TP.Đà Nẵng, Quảng Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã làm mất dần và suy thoái các hệ sinh thái quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.