Chiều 26.7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký và gửi văn bản cho Bộ GTVT về kết quả nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấp QL 14D, trên địa bàn tỉnh.
Vướng mắc về pháp lý
Theo công văn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường nối từ cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ GTVT, phương án đầu tư tuyến đường hoàn toàn mới không khả thi và đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu phương án mở rộng tuyến hiện trạng theo hình thức doanh nghiệp đầu tư không hoàn lại.
Theo đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc, xúc tiến mời gọi đầu tư nhưng hiện không có doanh nghiệp tài trợ nguồn vốn để đầu tư theo hình thức trên.
Đối với phương án đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện có, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất 2 phương án đầu tư.
Cụ thể, đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.640,5 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 1.914 tỉ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư (nếu chỉ thu phí xe thông quan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang thì tăng lên 2.186 tỉ đồng, tương đương 82,8% tổng mức đầu tư), và phần còn lại nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trong khoảng 20 năm.
Phương án 2 là đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 310,4 tỉ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư, và phần còn lại nhà đầu tư thu phí hoàn vốn với xe tải thông quan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang trong khoảng 20 năm.
Tuy nhiên, UBND Quảng Nam cho rằng các phương án do Trường Hải đề xuất đều vướng mắc về pháp lý.
Không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT
Ngoài ra, các quy định của pháp luật, phương án tài chính chưa đảm bảo; trường hợp đầu tư với phương án 2 nêu trên thì tổng mức đầu tư thấp (730 tỉ đồng), công trình chỉ được cải tạo cục bộ, vốn nhà nước phải tham gia 42,5% nhưng thời gian nhà đầu tư thu phí kéo dài 20 năm, sẽ không hiệu quả. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, lưu lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng tăng. Do đó, việc đầu tư mở rộng, nâng cấp QL 14D là rất cần thiết và cấp bách, các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đều không thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc có chủ trương dừng nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT) để chuyển sang hình thức đầu tư công.
UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 - 2030 để mở rộng, nâng cấp QL 14D nhằm giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Trong trường hợp này, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị đầu tư theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỉ đồng.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)