Đêm về nghe voi rống rợn người
Đáng sợ nhất là vào rạng sáng ngày 13/11, đàn voi dữ bất ngờ đột nhập vào nhà ông Hồ Văn Mười ở làng Dưng (thôn 5, xã Trà Đốc), giẫm nát vách và làm sập ngôi nhà của ông. Nhờ đã quen với nạn sống cùng voi dữ nên nhiều người trong gia đình ông Mười đã kịp thoát thân. Mãi đến khi thanh niên trong làng đốt lửa, đánh phèng la liên tục mới đuổi được đàn voi quay lại bìa rừng.
"Bọn nó hung dữ lắm. Vừa nghe sột soạt ngoài vườn, tôi bật dậy thì vách nhà đã đổ, cả nhà vừa thoát ra ngõ sau thì căn nhà kéo cái ầm, ngó lại trong bóng đêm mờ mờ chỉ thấy lố nhố bóng voi, căn nhà đã nằm dưới chân con voi lớn nhất đàn" - giọng ông Mười vẫn còn thảng thốt dẫu sự việc đã trôi quả cả tuần nay. Nhiều người dân địa phương cho biết, đàn voi dữ gồm 4 con, trong đó có 3 voi lớn và 1 voi con vẫn thường xuyên suất hiện và phá hoại hoa màu của bà con đồng bào thôn 5, xã Trà Đốc suốt từ đầu tháng 9 đến nay. Tuy nhiên, đàn voi rừng này chỉ xuất hiện vào buổi tối khi trời đã nhá nhem với những tiếng rống đến rợn người.
|
Từ khi có voi rừng xuất hiện, người dân Trà Đốc không dám lên rẫy. Muốn lên rẫy thu hoạch rau màu, bà con phải rủ nhau đi đông người và mang theo các thiết bị phòng thân. Toàn bộ diện tích lúa rẫy và hoa màu như chuối, bắp, sắn trên 15ha và hàng chục chòi canh rẫy của các hộ dân tại đây đã bị đàn voi giày xéo và giẫm nát. Nhiều người dân dự đoán, khi hết thức ăn ở ngoài rẫy, nhiều khả năng đàn voi sẽ xuống làng để tìm thức ăn và lúc đó tình thế càng cực kỳ nguy hiểm. Hiện bà con đồng bào tại đây rất hoang mang, không dám ra rẫy để thu hoạch hoa màu và sản xuất...
Được biết, đây là đàn voi thường xuất hiện ở địa phận các xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước; làng Cao Sơn, thị trấn Trà My và xã Trà Đốc, có tổng đàn khoảng 7 đến 8 con. Trong mùa mưa năm ngoái, đàn voi này đã từng xuất hiện và phá hoại nhiều hoa màu tại làng Cao Sơn. Sau đó, do sạt lở đất, đã có một con voi con thất lạc, xuống tận thị trấn Trà My và gây náo loạn tại đây.
|
Giải pháp nào giúp dân giữ tính mạng
Thôn 5, xã Trà Đốc hiện có 46 hộ dân, 269 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc CaDong đang sinh sống. Đây là thôn rất heo hút, cách xa trung tâm xã Trà Đốc hơn 12km. Đời sống bà con đồng bào tại đây còn rất nhiều khó khăn. Toàn thôn có đến 41 hộ, 252 khẩu thuộc diện đói nghèo, chiếm trên 89% tổng số hộ trong thôn. Vốn đã nghèo khó, nhưng lại thêm sự phá hoại của đàn voi đã làm cho bà con đồng bào tại đây càng khó khăn thêm.
Hiện nay, chính quyền xã Trà Đốc đã chỉ đạo lực lượng công an, xã đội và cán bộ nông lâm phân công về thôn 5 Trà Đốc để túc trực 24/24; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con đồng bào nâng cao cảnh giác, tránh xung đột với đàn voi để bảo vệ an toàn tính mạng. Khi thấy có dấu hiệu đàn voi xuống làng thì dùng biện pháp dân gian truyền thống là đốt lửa lớn và gõ thanh la để đuổi đàn voi. Song để nhân dân yên tâm sản xuất, đòi hỏi phi có một giải pháp ở tầm cao hơn.
Khi đặt vấn đề này, ông Diệp Thanh Phong - Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Nam cho rằng, hai giải pháp là di dời dân và di dời đàn voi đều khó thực hiện một cách hoàn hảo nhưng lại rất tốn kém. Trước mắt cũng chỉ vận động nhân dân không nên xung đột với voi, vừa để bảo vệ tính mạng, vừa để bảo tồn đàn voi. Song biện pháp này xem ra cũng không đơn giản; bởi thực tế cho thấy, tuy không xung đột với voi, nhưng khi chúng xuất hiện bất ngờ đã làm cho rất nhiều người thiệt mạng.
|
Từ tháng 8/2003 đến nay, tại Quảng Nam đã có 4 vụ voi tấn công người làm thiệt mạng hai người và bị thương nặng hai người khác. Với thực tế này, ai sẽ đảm bảo rằng đàn voi tại Bắc Trà My sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng con người khi mà chúng đã lởn vởn tại thôn 5, xã Trà Đốc suốt gần 3 tháng nay và đang phá hoại nhà cửa, chòi canh, hoa màu của người dân nơi đây?
Bài, ảnh: Hồ Trọng
Bình luận (0)