Ngày 20.11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, ông Lê Văn Dũng vừa ký công văn đăng ký danh mục nội dung trình tại kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh khóa X (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024).
Theo công văn, UBND tỉnh Quảng Nam trình đề án để HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với viên chức giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao giai đoạn 2025 - 2026.
Hiện nay, đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng hiện công tác ở các huyện miền núi của tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao.
Chế độ, chính sách của nhà nước chưa đủ sức thu hút, giữ chân lâu dài đội ngũ viên chức, việc thu hút sinh viên đăng ký dự tuyển về địa bàn miền núi gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ viên chức trúng tuyển trung bình chung các kỳ tuyển dụng tại các huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam chỉ đạt khoảng hơn 50%.
Từ năm 2019 đến nay, khoảng hơn 530 viên chức của ngành giáo dục chuyển công tác ra khỏi các huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, có hơn 90 viên chức công tác tại các trường thuộc địa bàn các huyện miền núi cao đã xin thôi việc.
Từ thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án để trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết.
Theo dự thảo nghị quyết, tỉnh Quảng Nam dự tính hỗ trợ lần đầu cho giáo viên khi nhận công tác và hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng. Các huyện miền núi cao thực hiện trong dự thảo nghị quyết gồm Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn.
Mức hỗ trợ cụ thể đối với viên chức lần đầu đến công tác tại các xã khu vực 3 hoặc thôn đặc biệt khó khăn là 100 triệu đồng/người; tại các xã khu vực 2 là 75 triệu đồng/người; tại các xã khu vực 1 là 50 triệu đồng/người.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam dự tính hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực 3 hoặc thôn đặc biệt khó khăn; 1,5 triệu đồng đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực 2; 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực 1.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn xin ý kiến Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và các bộ liên quan về việc xây dựng chính sách nói trên.
Theo ý kiến phản hồi của các bộ thì việc ban hành nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, nếu cân đối được ngân sách thì tỉnh Quảng Nam có thể thực hiện mà không vướng quy định, riêng ngân sách T.Ư không hỗ trợ.
Trong công văn phản hồi UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ GD-ĐT đồng ý với chủ trương ban hành nghị quyết nêu trên của tỉnh Quảng Nam.
Bộ GD-ĐT cho rằng việc ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ viên chức giáo viên là cần thiết, đặc biệt là đội ngũ viên chức giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần ổn định lâu dài đội ngũ viên chức, nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương. Đồng thời, các chính sách này là yếu tố quyết định đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Bình luận (0)