Quảng Nam tăng khách đường bộ 'gánh' khách hàng không khi vé máy bay tăng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
17/05/2024 10:09 GMT+7

Chia sẻ tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17.5, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng khách hàng không giảm. Do đó, tỉnh đã kích cầu đối với khách nội địa vùng đi bằng tàu lửa, đi bằng ô tô, tăng khách nội vùng để có thể lấp đầy khoảng trống của khách hàng không.

Ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin, tỉnh Quảng Nam nằm ở trung tâm cả nước, cùng với Đà Nẵng được đánh giá là trung tâm du lịch miền Trung, chủ yếu đón khách du lịch bằng đường hàng không, du lịch đường sắt, đường bộ ít. Tỉnh Quảng Nam có 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó 14 khách sạn 5 sao với 5.000 phòng, 23 khách sạn 4 sao có 3.000 phòng. Tổng số phòng trên cả tỉnh là 18.000 phòng.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cuối năm 2019, Quảng Nam đón 7,8 triệu khách, trong đó 4,7 triệu khách quốc tế, 3,1 triệu khách nội địa. Điều này có nghĩa trước dịch, khách du lịch đến Quảng Nam chủ yếu là quốc tế. Sau khi dịch bùng phát, năm 2022, Quảng Nam đăng cai năm du lịch quốc gia thì chuyển mô hình quan tâm đến khách du lịch nội địa. Năm 2023, từ tập trung tất cả các kênh, tổng số lượng khách đến tỉnh Quảng Nam rất tốt với 7,6 triệu khách - gần bằng với năm 2019, trong đó khách quốc tế 3,9 triệu lượt (2019 là 4,7 triệu khách), 3,7 triệu khách nội địa (2019 là 3,1 triệu khách). Như vậy, khách quốc tế giảm nhưng nội địa tăng cao nhờ chính sách tập trung quan tâm cho khách nội địa. 4 tháng đầu năm 2024, khách đến Quảng Nam tăng chứ không giảm, đạt 2,5 triệu khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu (tăng 7%), khách nội địa là 1 triệu (tăng 10%). Tổng lượt khách tăng chứ không giảm.

Quảng Nam tăng khách đường bộ 'gánh' khách hàng không khi vé máy bay tăng- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

"Dù chưa có thống kê nhưng chắc chắn khách đường hàng không giảm, có thể giảm sâu. Những năm trước dịch, cách 1 tháng thì hầu như các cơ sở lưu trú lấp đầy 80 - 90% nhưng dịp lễ 30.4 vừa qua, cách 10 ngày, các cơ sở vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, các cơ sở bắt đầu tăng các gói kích cầu đối với khách nội địa vùng đi bằng tàu lửa, ô tô, tăng khách nội vùng để có thể lấp đầy khoảng trống của khách hàng không. Tuy nhiên, khách quốc tế đến tỉnh Quảng Nam đang tăng dần, đây là tín hiệu rất tốt", ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay.

Trước những khó khăn trên, tỉnh đã đưa ra một số giải pháp, tập trung vào các gói kích cầu. "Kích cầu ở đây không phải giảm giá mà kích chất lượng, đa dạng sản phẩm, tăng chương trình phục vụ du khách", ông Hồng nhấn mạnh. Thứ hai là quảng bá nội vùng cho khách đi bằng ô tô từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, hay Tây nguyên xuống… để lấp đầy khoảng trống của khách hàng không. Thứ ba là khách đi bằng tàu lửa, hình thành tour du lịch Huế - Đà Nẵng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã vào Quảng Nam rà soát 2 ga Trà Kiệu và Tam Kỳ. Sắp tới, tỉnh sẽ đầu tư thêm 2 ga này để hình thành cung đường di sản.

"Khách giảm đường hàng không nhưng tăng về đường bộ. Tuy nhiên, một số cơ sở cư trú cho biết khách nội địa đến tăng nhưng ở và chi tiêu giảm nên đêm lưu trú giảm. 4 tháng đầu năm, lưu trú tại Quảng Nam giảm 5% nhưng ngược lại khách quốc tế tăng 17%, vì thế tổng hòa vẫn tăng", ông Hồng thông tin và khẳng định, du lịch phát triển cũng nhờ hãng hàng không và hãng lữ hành. Hiện nay, khách quốc tế đang đến Quảng Nam tốt. Sau dịch, Quảng Nam ưu tiên ký kết với 2 đầu đất nước là Hà Nội, TP.HCM làm sao đưa khách đến đông hơn. "Nhưng với tình hình như vậy, tỉnh đang cố gắng xúc tiến khách nước ngoài tại châu Âu, Hàn Quốc, Úc, Đài loan, Trung Quốc. Quảng Nam và Đà Nẵng bàn với Cục Hàng không Việt Nam mở thêm tuyến Đà Nẵng để đưa khách quay trở lại và mở thêm một số đường bay mới. Đây là giải pháp và là trách nhiệm của địa phương nhưng các hãng hàng không cũng cần tính toán, hỗ trợ", ông Nguyễn Thanh Hồng đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.