Sáng 30.3, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Phước Sơn cho biết đơn vị đang điều trị cho hai bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua.
Quảng Nam: Thêm 2 người ở huyện Phước Sơn ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua
Trước đó, trưa 28.3, Trung tâm Y tế H.Phước Sơn đã tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thanh Đảm (13 tuổi, xã Phước Chánh, H.Phước Sơn) và chị Y Ngái (40 tuổi, xã Phước Xuân, H.Phước Sơn) vào trung tâm cấp cứu.
Theo người nhà các bệnh nhân, sau khi ăn cá ủ chua thì cả hai có biểu hiện nôn mửa, chóng mặt nên được đưa vào Trung tâm y tế H.Phước Sơn cấp cứu.
Theo ông Long, đến thời điểm này, sức khỏe của hai bệnh nhân cơ bản đã ổn định. Hai bệnh nhân bị ngộ độc cũng chưa có biểu hiện liên quan đến ngộ độc Botulinum.
Trong khi đó, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết trong chiều hôm qua (29.3), đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang phối hợp với Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) tiến hành truy vết và lấy mẫu cá muối ủ chua trên địa bàn huyện vùng cao Phước Sơn nơi có 10 người ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua (trước đó) nhằm điều tra, giám sát, xử lý nguồn độc.
Đoàn đã truy vết, lấy mẫu cá ủ chua tại các xã Phước Kim, Phước Chánh, Phước Đức (H.Phước Sơn) nơi đã xảy ra các trường hợp ngộ độc Botulinum.
Đây là những mẫu cá muối ủ chua hiện người dân vẫn sử dụng bình thường để kiểm tra, đối chiếu với mẫu bị ngộ độc Botulinum Type E trước đó nhằm có những đính chính về trường hợp ngộ độc cá ủ chua.
Liên quan đến vụ việc này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam đã lấy 22 mẫu gồm: 4 mẫu cá ủ chua, 6 mẫu thịt gà đông lạnh, 1 mẫu giá, 1 mẫu nước nguồn tự chảy, 9 mẫu máu của các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện và 1 mẫu chất nôn của một bệnh nhân.
Tất cả mẫu này đều được gửi ra Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc để kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm nghiệm ban đầu đối với với mẫu chất nôn của Hồ Thị Mo và mẫu cá ủ chua của hộ Hồ Thị Tài, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát hiện trực khuẩn Clotridia sinh độc tố thần kinh Botulinum typ E. Viện sẽ thông báo đến các đơn vị kết quả kiểm nghiệm của các mẫu còn lại khi hoàn thành quá trình phân tích.
Như Thanh Niên đã thông tin, chỉ trong vòng 10 ngày, từ ngày 7 - 17.3, trên địa bàn huyện vùng cao Phước Sơn có đến 10 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do ăn cá chép ủ chua, trong đó có 1 người tử vong. Đây là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương.
Sau khi truyền thuốc giải độc Botulinum do Bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe của 3 bệnh nhân ngộ độc nặng nhất đã cải thiện tích cực và đã cai được máy thở, chỉ số sinh hiệu ổn định. Ngoài ra, sức khỏe của các bệnh nhân còn lại đều tiến triển tốt.
Bình luận (0)