Quảng Nam: Vì sao có sự cố ở nhà máy vàng Đăk Sa?

06/06/2013 08:00 GMT+7

Từ ngày 7.5 đến 11.5, một số người dân thôn 4 xã Phước Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đã chặn các loại xe ra vào nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa của Công ty TNHH vàng Phước Sơn. Nguyên nhân xuất phát từ sự cố tràn bã quặng và nước thải ra suối Đăk Sa vào ngày 7.5.

Ngay khi xảy ra sự cố này, lãnh đạo công ty đã cùng với chính quyền địa phương gặp gỡ và đối thoại với người dân, xin lỗi người dân và cam kết hỗ trợ cộng đồng. Việc chặn xe đã gây thiệt hại cho công ty và cán bộ, công nhân viên, trong đó có hàng trăm lao động địa phương, cũng như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quang Ngũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH vàng Phước Sơn để rõ hơn về vấn đề này.

 Quảng Nam: Vì sao có sự cố ở nhà máy vàng Đăk Sa?
Hệ thông đập thải của nhà máy vàng Daksa

Thưa ông, có sự xả thải ra môi trường như người dân đã phản ảnh không?

Ông Phạm Quang Ngũ: Công ty chúng tôi xin chịu trách nhiệm đã có thiếu sót trong công tác bảo vệ và giám sát để xảy ra sự cố đáng tiếc trên mặc dù là một sự cố ngoài ý muốn. Nguyên nhân ban đầu của sự cố được xác định là do có người đã dỡ bỏ ống dẫn nước và bùn thải của hồ chứa thải ra khỏi bờ đập và đưa về phía bờ ta luy âm của hồ chứa thải phía suối Ông Beng và làm cho một phần nước và bùn bã quặng thải chảy xuống rãnh thu nước chân đập và sau đó chảy vào suối Ông Beng. Theo tính toán kỹ lưỡng của công ty thì tổng lượng nước thải đã chảy ra môi trường khoảng 1,4 m3, trong đó có 755 kg bã bùn quặng.

Ông cho rằng đó là sự phá hoại?

Ông Phạm Quang Ngũ: Sở dĩ chúng tôi nói có sự phá hoại ở đây bởi vì khu vực đập chứa thải rất rộng và bảo vệ công ty hằng đêm đều phát hiện có người đột nhập vào khu vực xung quanh nhà máy và khu đập chứa thải để rình mò và trộm cắp. Cụ thể là cách đây 1 tháng (27.4), bảo vệ công ty đã phát hiện và bắt được một đối tượng đã đột nhập vào nhà bảo vệ trong khu vực hệ thống đập chứa thải của công ty và cắt dây điện. Sau sự việc chúng tôi đã bàn giao đối tượng cho Công an huyện Phước Sơn xử lý.

Công ty có bảo vệ sao lại để xảy ra tình trạng đột nhập?

Ông Phạm Quang Ngũ: Rất khó cho bảo vệ chúng tôi có thể kiểm soát hết được toàn bộ hành vi của người dân ở khu vực do công ty quản lý vì hiện tại có hai con đường dân sinh đi qua địa phận công ty (một đường qua khu Bãi Đất và một đường qua khu Bãi Gõ). Hàng ngày có nhiều người dân đi rừng, đi rẫy qua hai con đường này và có những đối tượng đột nhập vào khu vực hoạt động của công ty thông qua 2 con đường này để trộm cắp nhưng lấy lý do là ra vào rừng hay đi làm nương rẫy. Qua sự cố này, chúng tôi sẽ cải thiện đội ngũ an ninh, bảo vệ và tăng cường biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn và phòng tránh các sự cố tương tự có thể xảy ra.

Lộ trình xử lý của công ty như thế nào?

Ông Phạm Quang Ngũ: Sau khi sự cố xảy ra, công ty cùng với đại diện của phòng TN-MT H.Phước Sơn, xã Phước Đức tiến hành lấy 6 mẫu nước để gửi đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2) để phân tích. Đồng thời, công ty đã tiến hành thu gom nước thải và làm sạch bùn bã quặng ở rãnh chân đập ra đến khu vực suối Ông Beng ngay trong ngày.

Chúng tôi đã nỗ lực tổ chức các cuộc họp với chính quyền UBND H.Phước Sơn và bà con thôn 4 xã Phước Đức để chính thức xin lỗi người dân và chính quyền địa phương về sự cố này. Đồng thời công ty đã đề ra giải pháp ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra như khóa cố định đường ống vào bờ đập và tăng cường số lượng nhân viên bảo vệ. Chúng tôi rất vui vì người dân cảm thấy yên tâm và hài lòng với hướng giải quyết mà công ty đưa ra. Công ty cam kết với địa phương sẽ không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào trong tương lai.

Kết quả phân tích mẫu nước như thế nào?

Ông Phạm Quang Ngũ: Kết quả quan trắc mẫu nước dọc theo suối Đăk Sa cho thấy hầu như chất lượng môi trường nước không có dấu hiệu thay đổi sau sự cố tràn bã quặng và nước thải ra suối ngày 7.5. Cụ thể là hàm lượng trung bình của tất cả các chỉ tiêu kim loại của 6 lần lấy mẫu sau sự cố từ ngày 7.5 đến 12.5 thấp hơn hàm lượng trung bình của 6 đợt lấy mẫu tháng định kỳ trước đó. Riêng hàm lượng trung bình của xyanua cao hơn 6 đợt lấy mẫu tháng định kỳ trước đó nhưng vẫn nằm dưới tiêu chuẩn nước mặt quy định của Bộ TN-MT. Điều đó khẳng định sự cố tràn bã quặng và nước thải ra môi trường không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước suối Đăk Sa. Suối Đăk Sa tại khu vực xã Phước Đức có mục đích sử dụng chính là để tiêu thoát nước bề mặt, do đó sự cố ngày 7.5 không gây bất cứ thiệt hại nào cho cộng đồng địa phương.

Cảm ơn ông!

Vũ Lâm

>> Cận cảnh hầm khai thác và luyện vàng Đăk Sa
>> Ra lò sản phẩm đầu tiên tại Nhà máy vàng Đăk Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.