Trong đó, nhóm tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên phát triển nhanh, từ chiếm 60,5% năm 2013 lên hơn 72% vào cuối năm 2016.
Đặc biệt, từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Quảng Ngãi đầu tư hàng trăm tỉ đồng đóng mới và đưa vào khai thác 28 tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép, vỏ gỗ có công suất từ 400 CV trở lên, trang bị các thiết bị thông tin hiện đại như máy định vị, máy dò cá... đảm bảo đánh bắt dài ngày, tạo năng suất cao cho mỗi chuyến ra khơi, đồng thời hình thành các tổ đội sản xuất trên biển.
Hiện toàn tỉnh có 5.444 tàu cá với tổng công suất hơn 1,2 triệu CV, trong đó có 1.049 chiếc đủ điều kiện tham gia khai thác ở vùng biển xa. Trên cơ sở tập quán truyền thống, đặc điểm ngư trường, nguồn lợi, ngư dân Quảng Ngãi còn cải tiến ngư lưới cụ để nâng cao hiệu quả đánh bắt, chuyển đổi ngành nghề, tập trung làm các nghề lưới vây, lưới rê, câu khơi, lặn. Nhờ đó, sản lượng thủy sản khai thác năm 2016 đạt hơn 180.400 tấn, tăng 7,6% so với năm 2015.
Đáng lưu ý, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi nhận định: Tuy có sự gia tăng đáng kể số lượng, chất lượng và công suất máy tàu nhưng ngư trường khai thác không được mở rộng, ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề và tàu thuyền, giữa ngư dân các địa phương vẫn còn có sự tranh chấp xảy ra, việc khai thác nguồn lợi thủy sản chưa được kiểm soát, khống chế. Riêng nhóm nghề lưới kéo là nghề mang tính hủy diệt, gây nguy hại cho môi trường nhưng còn chiếm tỷ lệ khá cao (39%). Do vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra cho các cơ quan chức năng là cần tăng cường công tác quản lý phát triển tàu cá trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề nghiệp khai thác; đồng thời phát triển đội tàu xa bờ với trang thiết bị hiện đại, giảm dần đội tàu khai thác gần bờ và vùng lộng, phát triển tổ đội đoàn kết gắn với dịch vụ hậu cần trên biển, thực hiện các mô hình liên kết với các chủ nậu thu mua chế biến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, vận động ngư dân hành nghề giã cào chuyển sang các nghề khác hoạt động khai thác có hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản từ vùng lộng ra vùng khơi một cách tự giác và có hiệu quả, tạm dừng việc phát triển tàu cá nghề lưới kéo và nghề lặn. Hiển Cừ
Bình luận (0)