Lý do là người Quảng Ngãi phần lớn đều hướng vào Sài Gòn mưu sinh. Sài Gòn - TP.HCM vốn là vùng đất hứa của dân Quảng Ngãi không phải bây giờ mà từ trước năm 1945. Những người già trên 90 tuổi đều kể lại, từ thời đó người Quảng Ngãi đã có câu cửa miệng “vô Sài Gòn - Gia Định kiếm cơm, cuối năm đón xe Phi Long, Tấn Lực trở về”.
Nếu nói với người Quảng Ngãi rằng “quê mày có gì đặc sản ngon ngon, dẫn đi ăn thử”, thì chắc chắn sẽ được dẫn vô quán don bình dân. Khách ăn xong, hít hà vì hương vị hơi cay, có mùi hành, thoang thoảng hương vị của loài hải sản sống ở miền sông nước. Nhưng ăn xong thì bụng róc rách vẫn đói, vì quả thực tô don chỉ có chút cái, ít hành và bẻ bánh tráng rắc vào. Có người cười khì khì sau khi đánh chén đặc sản Quảng Ngãi và nói “kiếm gì ăn nữa”.
Quảng Ngãi không khác chi Bình Định gần bên, đó là đâu đâu cũng gặp quán cà phê. Những quán cà phê từng một thời có tên tuổi như Hồng Diệp. Sau này có quán Phượng Cát. Nếu dạo phố đêm thưa thớt ở Quảng Ngãi thì sẽ nghiệm ra, những quán cà phê đã níu kéo lớp trẻ thức khuya hơn, không giống với xứ Huế, mới 8 giờ tối đường phố đã vắng ngắt. Còn ở Quảng Ngãi vẫn chớp nháy đèn cà phê phố vào lúc đêm khuya.
Khách ở xa trước khi rời Quảng Ngãi, nếu ai làm nghề buôn bán và mong “cầu lời” thì đón xe xuống chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa, nằm cách thành phố khoảng 9 km. Ngôi chùa khá vắng vẻ, nhưng chứa đầy huyền tích và sự linh nghiệm mà người đời truyền lại.
Còn ai đang làm quan chức thì lên lăng Bùi Tá Hán, nằm ở vùng ven thành phố. Vị tướng quân này lừng lẫy và từng được người đời truyền tụng về sự linh thiêng. Thời trước, quan chức được phong đều lên bẩm báo với cụ, nguyện trước cụ rằng, được phong chức quan thì sẽ luôn vì bách tính, muôn dân.
Bình luận (0)