Quảng Ngãi: Ngư dân xô xát vì tranh chấp khai thác ốc gạo

Hải Phong
Hải Phong
20/04/2023 17:51 GMT+7

Ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND H.Mộ Đức (Quảng Ngãi), xác nhận trên địa bàn có xảy ra tình trạng ngư dân giành ngư trường để khai thác ốc gạo dẫn đến xô xát với nhau.

Bị đánh khi đến xã Đức Minh khai thác ốc gạo

Chiều 20.4, ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND H.Mộ Đức (Quảng Ngãi), xác nhận trên địa bàn có xảy ra tình trạng ngư dân giành ngư trường để khai thác ốc gạo dẫn đến xô xát với nhau, gây mất an ninh trật tự. "UBND H.Mộ Đức đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Đồng thời, tuyên truyền cho các ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác, đánh bắt hải sản trên biển", ông Lân nói.

Vùng biển Đức Minh (xã Đức Minh, H.Mộ Đức) là nơi có nhiều ốc gạo sinh sống. Ốc gạo xuất hiện từ tháng giêng cho đến cuối tháng ba âm lịch hàng năm. Nghề cào ốc gạo mang lại thu nhập cao, trung bình mỗi ngày ngư dân kiếm được được từ 2 đến 4 triệu đồng/người. Vì thu nhập cao, cho nên cứ đến mùa ốc gạo một số ngư dân ở xã Đức Minh lại muốn chiếm dụng, độc quyền khai thác. Do đó, một số ngư dân ở nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi đến vùng biển Đức Minh khai thác ốc gạo sẽ bị đuổi, đánh, không cho khai thác.

Quảng Ngãi: Tranh chấp trong khai thác ốc gạo, nhiều ngư dân bị đánh - Ảnh 1.

Ngư dân Nguyễn Công Khỏe (ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) bị đánh trọng thương vì khai thác ốc gạo ở vùng biển xã Đức Minh

C.T.V.

Ngư dân Nguyễn Công Khỏe (40 tuổi, ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) cho biết, trong lúc đang hành nghề cào ốc gạo ở vùng biển Đức Minh thì anh bị ngư dân ở đây dùng 2 chiếc ghe chở theo một số người ra đuổi, đánh gây thương tích. "Gần 10 ngày trôi qua, tôi không thể ra biển mưu sinh, bởi các vết thương trên mình vẫn còn đau buốt, ê ẩm cả người", anh Khỏe nói.

Quảng Ngãi: Tranh chấp trong khai thác ốc gạo, nhiều ngư dân bị đánh - Ảnh 2.

Tay ngư dân Nguyễn Công Khỏe bị đánh bầm dập

CTV

Còn ngư dân Nguyễn Văn Mến (40 tuổi, ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) cho hay, cũng vì miếng cơm manh áo nên bà con mới đến vùng biển xã Đức Minh khai thác ốc gạo. Tuy nhiên, ngư dân xã Đức Minh đuổi đánh không cho khai thác. "Có hôm, bị họ đánh tới tấp, chúng tôi quỳ lạy nói họ tha cho chạy về nhưng họ không tha, đánh xong họ ôm tôi ném xuống biển. Cũng may, nhờ mặc áo phao, nên tôi mới sống sót", ngư dân Mến kể lại.

Ngăn chặn hành vi tranh chấp ngư trường

Theo một số ngư dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân xã Đức Minh cho rằng ốc gạo trên vùng biển Đức Minh là của họ nên ngư dân các địa phương khác không được phép khai thác. Chính vì vậy, nhiều ngư dân ở nơi khác đến khai thác ốc gạo đã bị ngư dân xã Đức Minh đuổi, đánh gây thương tích.

Quảng Ngãi: Tranh chấp trong khai thác ốc gạo, nhiều ngư dân bị đánh - Ảnh 3.

Ốc gạo ở Quảng Ngãi xuất hiện từ tháng giêng cho đến cuối tháng ba âm lịch hàng năm

HẢI PHONG

Ông Võ Văn Tôn, Phó chủ tịch UBND xã Đức Minh, cho biết sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo công an xã phối hợp với đồn biên phòng cùng các cơ quan chức năng có các biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi tranh chấp ngư trường, tránh xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn.

"Cùng với cơ quan chức năng, chính quyền xã Đức Minh cũng đã gặp gỡ ngư dân địa phương để tuyên truyền pháp luật, vận động ngư dân khai thác hải sản đúng luật; không thực hiện các hành vi gây mất an ninh trật tự trên biển và trên địa bàn xã", ông Tôn nói.

Quảng Ngãi: Tranh chấp trong khai thác ốc gạo, nhiều ngư dân bị đánh - Ảnh 4.

Ngư dân khai thác ốc gạo đưa thuyền vào bờ

HẢI PHONG

Đại úy Trịnh Tất Thành, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn biên phòng Đức Minh, cho rằng việc khai thác ốc gạo của bà con ngư dân xã Đức Minh và các địa phương khác là hợp pháp, theo đúng quy định của luật Thủy sản. Việc ngư dân ngăn cản, không cho ngư dân ở các địa phương khác vào khu vực biển Đức Minh hành nghề là sai với quy định pháp luật. Qua đó, Đồn biên phòng Đức Minh đã mời một số ngư dân lên làm việc, nhằm tuyên truyền, vận động đồng thời đề nghị các ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

"Đơn vị sẽ thường xuyên tuần tra trên biển, nhằm đảm bảo an ninh trật tự để bà con ngư dân tiếp tục khai thác hải sản, nhằm phát triển kinh tế địa phương", đại úy Thành nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.