Chú ý về cơ sở
Ông Đỗ Quang Nghĩa, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, công tác chuyển đổi số được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, HĐND tỉnh Quảng Ngãi và UBND tỉnh Quảng Ngãi rất quan tâm, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và an toàn thông tin mạng.
Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; thể hiện sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đối với công tác chuyển đổi số.
Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương sớm kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, bộ phận một của các cấp có thể khai thác 20 trường thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên dễ dàng xác nhận thông tin nơi cư trú của công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện thủ tục hành chính.
Sở TT-TT tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai tập huấn về chuyển đổi số cho 176 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thông qua nền tảng số Onetouch. Quảng Ngãi cũng là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai và hoàn thành, thành lập 100% các Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, tổ dân phố; triển khai hiệu quả nhiều đợt tập huấn về chuyển đổi số cho hơn 58.000 lượt người tham gia. Qua đó, được Bộ TT-TT đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong công tác đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022.
Khó khăn cần vượt qua
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu sử dụng kinh phí tự chủ để trang bị máy tính phục vụ công chức, viên chức làm việc. Nguồn nhân lực tham mưu công tác chuyển đổi số, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công việc và tỉnh Quảng Ngãi chưa có chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức trong lĩnh vực này.
Việc tuyển dụng công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn khó khăn. Một số công chức, viên chức cũng chưa nhận thức rõ về chuyển đổi số, ngại đổi mới, ngại tiếp cận công nghệ mới. Một số người dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa có kỹ năng sử dụng các công nghệ số còn thấp. Việc thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số cần có thời gian, không thể trong "một sớm một chiều".
"Trong năm 2023, Sở TT-TT tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung tham mưu thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ liên quan đến công tác chuyển đổi số trên địa bàn, trọng tâm là những nhiệm vụ về năm dữ liệu số quốc gia", ông Nghĩa khẳng định.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải triển khai đồng bộ các nền tảng dùng chung của tỉnh; bảo đảm các trang thiết bị cho công chức, viên chức tương tác trên môi trường số; thực hiện tốt công tác số hóa hồ sơ; đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; công tác an toàn thông tin mạng; hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
Cũng theo Sở TT-TT tỉnh Quảng Ngãi, người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiên phong, thống nhất trong nhận thức và hành động để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm mà Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã nêu ra.
Đó là: Nhận thức đóng vai trò quyết định, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nền tảng số là đột phá, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.
Hơn 71 tỉ đồng thực hiện công tác chuyển đổi số năm 2023
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký ban hành quyết định phân bổ 71,5 tỉ đồng cho 13 huyện, thành phố, thị xã và 27 sở, ngành của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023.
Trong đó, bố trí 59 tỉ đồng cho 27 sở, ngành và các đơn vị trực cấp tỉnh: Sở TT-TT tỉnh Quảng Ngãi 12,3 tỉ đồng, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi 7,5 tỉ đồng, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi gần 6,4 tỉ đồng, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi 4,6 tỉ đồng…
13 huyện, thị xã, thành phố được cấp 12,5 tỉ đồng: TP.Quảng Ngãi 4,5 tỉ đồng; huyện đảo Lý Sơn 1,75 tỉ đồng; H.Minh Long 1,55 tỉ đồng. Các huyện, thị xã còn lại được cấp từ 400 - 550 triệu đồng/đơn vị.
Bình luận (0)