Quãng nghỉ quý giá của U.22 Việt Nam

04/05/2023 12:00 GMT+7

U.22 Việt Nam có quãng nghỉ 4 ngày quý giá trước trận gặp U.22 Malaysia tại vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 32. Quãng nghỉ giúp HLV Philippe Troussier nhìn nhận lại vấn đề của toàn đội.

Chuỗi trận vòng bảng SEA Games 32 của U.22 Việt Nam có thể chia thành hai phần. Giai đoạn 1 gồm 2 trận gặp U.22 Lào và U.22 Singapore, đây là những đối thủ U.22 Việt Nam buộc phải thắng. Bởi đây là những đội cửa dưới, nếu không thắng thì cơ hội đi tiếp của thầy trò HLV Philippe Troussier sẽ bị đe dọa. Nhưng đây lại là giai đoạn tương đối dễ chịu của U.22 Việt Nam, khi các cầu thủ không cần phải thi đấu quá tốt vẫn có thể thắng.

Còn ở giai đoạn 2 với những cuộc so tài gặp U.22 Malaysia và U.22 Thái Lan, U.22 Việt Nam sẽ đương đầu với những đối thủ trực tiếp cạnh tranh vé bán kết. Đối thủ chất lượng hơn, áp lực lớn hơn và mọi sai lầm đều phải trả giá đắt. Những trận đấu này đòi hỏi U.22 Việt Nam phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. May mắn cho U.22 Việt Nam, khi toàn đội có quãng nghỉ 4 ngày (từ ngày 4 đến 7.5) trước trận đấu để ông Troussier nhìn nhận thấu đáo lại vấn đề.

Bản tin SEA Games 32 trưa 4.5: Thông điệp từ HLV Troussier | Bóng chuyền nam ‘quyết chiến’ Thái Lan

Quãng nghỉ quý giá của U.22 Việt Nam - Ảnh 1.

U.22 Việt Nam có 6 điểm tuyệt đối sau 2 trận

NGỌC DƯƠNG

Trong cả hai cuộc họp báo sau trận, HLV Troussier đều sử dụng một công thức quen thuộc. Ông bênh vực học trò bởi U.22 Việt Nam đang phải học hỏi triết lý hoàn toàn mới, do đó cần thời gian để ăn khớp với lối chơi. Nhưng mặt khác, chiến lược gia người Pháp không hạ tiêu chuẩn. Ông muốn cầu thủ phải tự làm quen với những đòi hỏi trong hệ thống chiến thuật hướng tới tối ưu khả năng kiểm soát trận đấu. Cá nhân nào không đáp ứng được sẽ bị thay ra.

Minh chứng là chỉ sau 2 trận, U.22 Việt Nam đã thay 10 người. 18 trong số 20 cầu thủ đăng ký đá SEA Games 32 đã được sử dụng. Trong đội hình U.22 Việt Nam, số lượng cầu thủ đá trọn vẹn 180 phút trong 2 trận đã qua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Guồng thay người liên tục của HLV Troussier, cho thấy chiến lược gia 68 tuổi dường như đang có sự băn khoăn. Bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự tiến bộ của các cầu thủ ở trận gặp U.22 Singapore (so với trận ra quân khó nhọc trước U.22 Lào), U.22 Việt Nam vẫn có nhiều lỗi trong tổng thể vận hành.

HLV Troussier hài lòng về trận thắng U.22 Singapore ‘U.22 Việt Nam không sợ hãi’

Đó là ý tưởng trong khâu triển khai bóng. 2 trong số 3 bàn của U.22 Việt Nam ở trận gặp U.22 Singapore là những tình huống chuyển đổi trạng thái. Các học trò của HLV Troussier đã làm tốt khâu đoạt lại quyền kiểm soát, rồi tranh thủ sự hỗn loạn nơi đối thủ để tổ chức tấn công nhanh. Những pha luân chuyển bóng theo dạng "phản kích" là bài tập ông Troussier đã rèn thuần thục cho học trò trong thời gian huấn luyện trước SEA Games.

Quãng nghỉ quý giá của U.22 Việt Nam - Ảnh 2.

U.22 Việt Nam cần sửa lỗi

NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, U.22 Việt Nam thường chỉ đá đúng bài khi đối thủ dâng cao. Còn khi U.22 Singapore (hay U.22 Lào ở trận trước) đá với đội hình lùi thấp và ôm sát vòng cấm, U.22 Việt Nam rất thiếu ý tưởng. Chất lượng chuyền dài, tạt bóng, khả năng tranh chấp tay đôi trong vòng cấm của cầu thủ đều chỉ ở mức trung bình. U.22 Việt Nam thường hướng tới đoạt bóng hai trước vòng cấm để triển khai tấn công. Lựa chọn này có thể phù hợp khi gặp những đối thủ non nớt, còn khi đối đầu với những đội giàu kinh nghiệm và tinh quái hơn, U.22 Việt Nam cần nhiều hơn một giải pháp tiếp cận.

Ở 2 kỳ SEA Games trước, U.22 Việt Nam đảm bảo phong độ ổn định cả giải nhờ khả năng hỗ trợ tấn công tốt của hàng phòng ngự. Nhưng dưới thời ông Troussier, đóng góp của 5 cầu thủ phòng ngự ở khâu triển khai bóng, kiến tạo, ghi bàn đều hạn chế. Sự xuất hiện của Tuấn Tài ở vị trí trung vệ lệch trái có lẽ đang lãng phí tiềm năng tấn công của cầu thủ này. Ngoài ra, các trung vệ Việt Nam cũng hiếm khi không chiến thành công khi đẩy cao tấn công. Điều này khiến U.22 Việt Nam tương đối dễ bị "đọc bài" mỗi khi hàng công bế tắc.

Sau cùng, khả năng phòng ngự đang là vấn đề đau đầu với HLV Troussier, bởi trong cả 2 trận đầu tiên, hàng thủ U.22 Việt Nam liên tục bị xuyên thủng. Các trung vệ kèm người lỏng, đấu tay đôi kém hiệu quả, để đối thủ có nhiều pha thoát người dứt điểm cận thành. Đây là khu vực đáng lo hơn, bởi vốn dĩ ông Troussier không có nhiều lựa chọn. "Phù thủy trắng" đã dùng gần hết quỹ hậu vệ, chỉ còn sót lại cầu thủ Ngọc Thắng là chưa sử dụng. Với hàng phòng ngự, dù rất muốn thay đổi nhưng HLV Troussier không thể tạo ra xáo trộn ở khu vực vốn đòi hỏi sự ổn định.

Quãng nghỉ quý giá của U.22 Việt Nam - Ảnh 3.

Lê Quốc Nhật Nam (số 18) bị thay ra chỉ sau 24 phút không đáp ứng yêu cầu

NGỌC DƯƠNG

Từng ấy lỗ hổng lộ ra, nhưng cần phải nhắc lại, U.22 Việt Nam đang ở trạng thái "vừa đá vừa sửa", tức sai lầm sẽ rất nhiều và buộc phải sửa chữa qua từng trận. Quãng nghỉ trước mắt là cơ hội để thầy trò Troussier tạm thoát khỏi guồng quay hỗn loạn của SEA Games để tìm lại sự cân bằng, suy nghĩ về những điểm mạnh, điểm yếu, rồi phân tích đối thủ để tìm ra đấu pháp phù hợp trước 2 trận đấu sống còn.

U.22 Việt Nam cần lùi lại một bước để thấy toàn cảnh, rồi tích lũy năng lượng cho chặng đường tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.