Quảng Ninh: Hàng nghìn người dự lễ khánh thành di tích chùa Quỳnh Lâm

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
12/12/2020 15:56 GMT+7

Sau 5 năm tu bổ, dự án tu bổ chùa Quỳnh Lâm đã hoàn thành, kết nối với khu du tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh).

Ngày 12.12, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TX.Đông Triều (Quảng Ninh) tổ chức lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm, thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, với sự tham gia của hàng nghìn chư tăng Phật tử, du khách.

Toàn cảnh chùa Quỳnh Lâm nhìn từ trên cao

Ảnh N.H

Chùa Quỳnh Lâm được biết đến là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam. Bởi nơi đây từng có pho tượng Phật khổng lồ, đứng đầu trong Thiên Nam tứ đại khí hay An Nam tứ đại khí, tức bốn thứ kim khí bằng đồng, có kích thước và trọng lượng lớn, là tài sản quý giá của nước Ðại Việt thời Lý, Trần.

Hàng nghìn người dân, du khách tham dự lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm

Ảnh N.H

Trải qua bao cuộc chiến tranh, thăng trầm của lịch sử, chùa Quỳnh Lâm có thời điểm chỉ còn là phế tích. Chùa Quỳnh Lâm được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ VH-TT-DL) ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.
Để khôi phục lại trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm xứng tầm với vị trí như đã tồn tại trong lịch sử, tháng 11.2015, dự án bảo tồn tôn tạo chùa Quỳnh Lâm được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dựa theo thỏa thuận và thẩm định của Bộ VH-TT-DL, với kinh phí hơn 160 tỉ đồng.

Đại biểu cắt băng khánh thành chùa Quỳnh Lâm sau 5 năm tu bổ

Ảnh N.H

Chùa xây dựng mới theo dấu vết kiến trúc thời Lê, hình thức kiến trúc mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, các thành phần và mô típ trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm... Vật liệu chính sử dụng cho công trình là các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá…
Mới đây, vào ngày 28.11, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TX.Đông Triều tổ chức lễ rước, đặt pho tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam về chùa Quỳnh Lâm.

Việc trùng tu, tôn tạo giúp cho chùa Quỳnh Lâm xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo xa xưa

Ảnh N.H

Việc trùng tu, tôn tạo đã góp phần làm cho chùa Quỳnh Lâm xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo xa xưa, kết nối chùa Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần; đồng thời trở thành điểm tham quan nổi tiếng trong khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều.
Chùa Quỳnh Lâm được khởi dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông (1116 - 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không.

Phần cong của mái chùa được trang trí bằng đất nung tráng men theo lối kiến trúc nhà Trần

Ảnh N.H

Khi xây chùa, quốc sư Nguyễn Minh Không đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20 m) để thờ cúng, và từng được coi là một trong “An Nam tứ đại khí” của đất nước.
Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5 m).

Chùa Quỳnh Lâm là nơi đặt tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam

Ảnh N.H

Thời Trần, do có vị trí là cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nên chùa được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.

Chư tăng làm nghi lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm

Ảnh N.H

Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Năm 1329, chùa Quỳnh Lâm trở thành “Đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam”. Chùa Quỳnh Lâm trở thành chốn khang trang, nhộn nhịp và thành học viện Phật giáo đầu tiên ở nước ta.

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm nghi lễ cầu quốc thái dân an

Ảnh N.H

Dưới thời Lê Trung Hưng, chùa được trùng tu tôn tạo lớn, kéo dài hơn 10 năm. Thế kỷ XVII, triều đình nhà Nguyễn tiếp nối trùng tu chùa theo mô hình thời Lê Trung Hưng, xây dựng thêm nhiều công trình mới có giá trị lịch sử như đúc đại hồng chuông vào năm Minh Mệnh thứ 9, quả chuông hiện được lưu giữ tại tầng 2 của tháp chuông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.