Quảng Ninh tuyển nhà đầu tư nội làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

11/08/2016 08:00 GMT+7

Vừa qua, đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (thuộc dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Móng Cái) đã được Bộ GTVT đề xuất sử dụng 300 triệu USD nguồn vốn vay ODA từ Trung Quốc để triển khai. Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin được chủ động thu xếp nguồn vốn này.

Động thái trên của Quảng Ninh được hiểu là địa phương này sẽ không cần đến món vay 300 triệu USD của Trung Quốc.
Hoàn toàn có thể huy động nhà đầu tư trong nước !
Theo giải thích của Bộ GTVT, đoạn Vân Đồn - Móng Cái nếu là dự án BOT thì rất khó thu hút các nhà đầu tư (NĐT) tham gia do kinh phí lớn. Hơn nữa, hiện chỉ có Trung Quốc quan tâm đến dự án này, vì vậy, việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc là hợp lý.
Tuy nhiên, đề xuất trên cũng đã làm dấy lên những lo ngại trong dư luận, vì các khoản vay từ Trung Quốc đều có ràng buộc với nhiều điều kiện đi kèm như: phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của Trung Quốc… Bởi thực tế đã có rất nhiều dự án đã và đang sử dụng các khoản vay của Trung Quốc “có vấn đề” về chất lượng, tiến độ, gây bức xúc dư luận.
Chúng tôi thấy rằng dự án này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi các NĐT trong nước. Quảng Ninh đã có kinh nghiệm trong việc áp dụng hình thức BOT cho 2 dự án thành phần là dự án cầu Bạch Đằng - nút giao cuối tuyến cùng đường dẫn 5,4 km và đoạn cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Việc huy động vốn cho đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thậm chí còn khả thi và thuận lợi hơn so với cả hai dự án thành phần kia
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Trong bối cảnh đó, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất xin được giao thẩm quyền thực hiện cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. “Xét trên thực tế nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đầu tư từ nguồn vốn ODA thì sẽ rất lâu và sẽ không hoàn thành trước năm 2020 như quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2008”, văn bản có đoạn nêu lý do.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết không phải do dư luận nổi lên gần đây mà Quảng Ninh mới có ý định này. Từ trước đó, ngày 9.7, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, lãnh đạo tỉnh cũng đã kiến nghị việc này. Đến ngày 11.7, Bộ GTVT có văn bản thông báo, trong đó có nội dung ủng hộ chủ trương ủy quyền cho UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi thu hút đầu tư dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đoạn Vân Đồn - Móng Cái.
Cũng theo ông Long, nếu đề xuất được Chính phủ chấp thuận, Quảng Ninh sẽ kêu gọi các NĐT trong nước thực hiện dự án trên theo mô hình hợp tác công tư (PPP). “Chúng tôi thấy rằng dự án này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi các NĐT trong nước. Quảng Ninh đã có kinh nghiệm trong việc áp dụng hình thức BOT cho 2 dự án thành phần là dự án cầu Bạch Đằng - nút giao cuối tuyến cùng đường dẫn 5,4 km và đoạn cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Việc huy động vốn cho đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thậm chí còn khả thi và thuận lợi hơn so với cả hai dự án thành phần kia”, ông Long khẳng định.
Lộ diện các nhà đầu tư “nội”
Theo quy hoạch của Chính phủ, đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 99 km, khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ toàn bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ra tận Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, gắn kết Quảng Ninh và các tỉnh phía bắc với Trung Quốc. Khi đó, đặc khu kinh tế Vân Đồn với sân bay và khu giải trí phức hợp có casino sẽ thêm điều kiện để phát triển mạnh mẽ.
Nắm được tầm quan trọng của đoạn cao tốc này, thời gian qua, nhiều NĐT đã đến làm việc và báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh phương án đầu tư, trong đó đáng chú ý là liên danh NĐT Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex.
“Tỉnh vẫn đang tiếp tục lắng nghe để sớm chọn ra đơn vị tốt nhất. NĐT được lựa chọn sẽ tiến hành đồng thời hai tiểu dự án: thi công đường cao tốc mới, kết hợp nâng cấp đoạn đường QL18 chạy song song và sẽ được quyền thu phí sau khi hoàn tất việc nâng cấp”, ông Long cho biết.
Theo tìm của PV, tổng mức dự toán đầu tư thực hiện dự án trên khoảng 16.000 tỉ đồng và Quảng Ninh sẽ tiếp tục áp dụng hình thức hợp tác BOT, trong đó 70% vốn từ các NĐT, còn 30% vốn là ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.