Quang Thảo không cố thoát khỏi cái bóng Thành Lộc

25/07/2011 08:41 GMT+7

(TNTS) “Tôi không cố nhủ mình phải diễn đạt như anh Lộc hay cười tốt bằng anh Hội. Tôi học hỏi. Bởi những khán giả thực sự yêu sân khấu, yêu Hãy khóc đi em chắc sẽ không đến thưởng thức vở kịch chỉ vì họ muốn xem thằng Quang Thảo diễn có ra trò gì hay không…”.

Gặp Quang Thảo vào một buổi chiều mưa tháng bảy, thời điểm mà vở kịch Hãy khóc đi em được đạo diễn Ái Như dựng lại đang lên sàn tập. Quang Thảo gần như bị tắt tiếng. Chàng diễn viên gốc Bến Tre không giấu được sự căng thẳng vương trên khuôn mặt chất phác của một người còn non tuổi nghề. Phải, làm sao mà không áp lực khi Hãy khóc đi em đã gây tiếng vang quá lớn trên sân khấu kịch IDECAF năm nào, và vai Phương mà anh đảm trách lại từng được NSƯT Thành Lộc lột tả hết sức thành công.

 

Có lẽ, ba vai diễn: Hết (Nửa đời ngơ ngác), thầy đồ (Bàn tay của trời) và Thuận (Không cần đàn ông) ít nhiều đã giúp Quang Thảo ghi điểm với khán giả trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Nhưng, đó là chuyện trước khi cái tên Quang Thảo được đặt ngang bên cạnh dàn diễn viên gạo cội như: NSƯT Thành Hội, Thanh Thủy, Ái Như… Liệu những cảnh diễn tay đôi giữa anh và Thành Hội có làm khán giả chạnh lòng mà nhớ đến… Thành Lộc? Hay người ta rồi sẽ dễ dàng tiếp nhận Quang Thảo như một cơn gió mới đầy tiềm năng về diễn xuất. Những câu hỏi đó vừa là đòn gánh đặt trên vai ê-kíp bản dựng mới, vừa là thứ thần dược thôi thúc chàng trai trẻ có duyên chạm ngõ sân khấu thêm nỗ lực không ngừng. Cái khoảnh khắc vui sướng khi được chị Ái Như mở lời mời vào vai Phương vẫn còn đọng nguyên trên đôi mắt Quang Thảo: “Khoan hãy xét về tài năng, theo tôi, trong nghiệp diễn, may mắn chiếm trên 50%. Nhiều người loay hoay cả đời vẫn chưa tìm được cho mình một cơ hội để đột phá”. Đối với Quang Thảo, vai Phương thực sự là một cơ hội lớn mà không phải ai cũng có đủ may mắn nhận được. Đơn cử như chuyện Quang Thảo đã đóng dấu ấn vào nhận thức của khán giả bằng ba vai diễn tuy có sắc thái khác nhau nhưng tính cách nhân vật lại khá đơn giản, nên dù muốn, anh cũng khó lòng thể hiện được hết khả năng sáng tạo.

Những nghi ngờ từ phía khán giả hoàn toàn có cơ sở khi chính Quang Thảo cũng thừa nhận, mình chỉ là sự lựa chọn thứ hai cho vai diễn đòi hỏi phải đào sâu nội tâm phức tạp này. Đôi mắt hiền lành ấy vẫn giữ được tia long lanh khi kể lại cuộc điện thoại của Ái Như: “Thảo nè, em có tự ái không khi chị mời em vào vai Phương thay cho (một diễn viên đàn anh) vì anh ấy bận chuyện gia đình?”. Quang Thảo khẳng định mình không phải kiểu người dễ hão bởi ánh đèn vàng. Anh luôn ý thức được hai chữ “cơ hội”, và giống với nhận định của Ái Như, Quang Thảo rất say nghề, sự say nghề của một diễn viên tay ngang chưa từng học qua bất kỳ trường lớp nào. Và ngôi nhà sân khấu là điểm đến của cả một hành trình tuổi trẻ của Quang Thảo, từ họa viên kiến trúc, nhiếp ảnh gia cho đến lúc tập tành viết kịch bản.

“Làm sao để thoát khỏi cái bóng của Thành Lộc, người đã thể hiện quá xuất sắc vai Phương, một “con điếm trí thức” với nội tâm vô cùng phức tạp?”. Có đến hàng trăm câu hỏi tương tự gửi về Hoàng Thái Thanh. Quang Thảo, bằng giọng trầm thản nhiên nói “tôi không cố thoát ra cái bóng của anh Lộc, tại sao phải đặt nặng chuyện đó khi mà tôi không hề mong khán giả đến với Hãy khóc đi em bản mới này chỉ với tâm trạng muốn xem Quang Thảo diễn lại một vai diễn của Thành Lộc như thế nào”. Để cởi bỏ được những áp lực tất yếu, Quang Thảo tìm đọc nhiều lần truyện Trăng nơi đáy giếng, xem phim, xem lại kịch… và điều quan trọng là, anh quyết định mình phải diễn bằng chính cảm nhận của bản thân. Quang Thảo thu về cảm xúc gì, cùng với những bài học được tiếp cận, anh sẽ diễn y như thế. Anh không ngừng nhắc đến NSƯT Thành Hội, người thầy trên sân khấu và cả trong cuộc sống mình: “Tôi hay bị hụt hơi khi diễn cảnh Phương cười, vì mọi thứ trên sân khấu thường over (lố) hơn so với thực tế. Những lúc như vậy, nghệ sĩ Thành Hội lại tận tâm dạy cho tôi cách khắc phục”.

Trò chơi của đời

Hãy khóc đi em là vở kịch dựa trên truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thùy Mai. Có thể nói, đó là một tấn bi kịch về tình yêu và gian dối.

 
Quang Thảo và Hồng Ánh trong Hãy khóc đi em 

“Chim là của bầu trời, hình rơm là của cánh đồng, Phương là của Thắm, còn tôi, tôi không có gì cả”.

Tình yêu luôn mưu cầu hạnh phúc, nhưng đôi khi, hạnh phúc chỉ là bóng trăng nhòe nhoẹt nơi đáy giếng. Là Hạnh, người phụ nữ cao thượng biết hy sinh, vun vén cả đời cho chồng để rồi đến một ngày Hạnh nhận ra, mình bị đưa đến cung bậc cuối cùng của sự lừa dối. Là Phương, một tri thức nghèo, lịch lãm và kiên nhẫn đạo mạo cho đến phút chót hòng mong đạt được mục đích. Là Thắm, cô gái quê ngày nào nhờ biết đẻ mà trở thành mợ hai ăn trắng mặc trơn. Là Hướng, người đàn ông lỗ mãng nhưng chân thành… Những nỗi đau đứt khúc mà như có đôi tay sắp đặt.

Hãy khóc đi em, xin nước mắt rơi để trôi chảy đi những uẩn ức dồn nén nửa đời, để chết và phục sinh…

Khai thác đề tài từ các tác phẩm văn học vẫn là hướng đi quen thuộc trong sân khấu, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Người ta vốn quen nhốt mình vào trí tưởng tượng về một thế giới trên trang giấy. Vì vậy, khi chuyển sang sân khấu, người đạo diễn phải khéo léo xử lý tình huống sao cho tinh tế và sống động. Trên thực tế, không ít những vở kịch đã tách riêng hơi thở với nguyên tác và tìm được một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả. Hãy khóc đi em của Ái Như là một trường hợp điển hình.

Ngân Vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.