Cụ thể sông Bến Hải, nước lũ vượt BĐ3 là 3,81m; sông Hiếu vượt BĐ3 0,39m, sông Thạch Hãn vượt BĐ3 0,16m… làm ngập lụt hơn 14.000 nhà dân ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà, trong đó nhiều nhà ngập sâu từ 1,5 - 2,5m; hơn 1.000 ha lúa và hàng nghìn ha hoa màu bị hư hỏng.
Một số công trình như đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi bị xói, sạt lở ở nhiều điểm. Tại Km 44+200 trên tuyến quốc lộ 9 (địa bàn H.Đakrông), hơn 4.000m3 đất, đá trên núi đổ xuống đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền... Đến đầu giờ chiều 17.10 thì đoạn đường này đã đi lại được, tuy vậy nhiều thôn bản thuộc H.Đakrông và Hướng Hóa vẫn còn bị chia cắt.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị thì hiện trên địa bàn đã có hai người chết, đó là anh Trương Công Minh (17 tuổi, ở xã Hải Sơn, H.Hải Lăng) bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi làm về và chị Nguyễn Thị Hương (40 tuổi, ở thôn Thạch Thượng, xã Hồng Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) vào hái cà phê ở thôn Cợp (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa) đã bị nước lũ cuốn trôi. Thi thể của hai nạn nhân đã được tìm thấy vào chiều 16.10.
Hệ thống đường sắt bị ngập ở hai đoạn (Mỹ Chánh - Phò Trạch và TP Đông Hà - thị xã Quảng Trị) làm 309 khách đi trên tàu SE7, 486 khách trên tàu TN phải ở lại ga Đông Hà; 430 khách trên tàu DH4 ở lại ga thị xã Quảng Trị; 301 khách trên tàu SE1 ở lại ga Tiên An; 509 khách trên tàu SE5 ở lại ga Hà Thanh...
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Trị phối hợp với các lực lượng tại chỗ chốt chặn ở các tuyến đường ngập lũ hướng dẫn người dân và phương tiện lưu thông qua lại đảm bảo an toàn.
Đến trưa 17.10, QL1A đoạn qua xã Triệu Giang nối với thị trấn Ái Tử (H.Triệu Phong) đã thông xe. Tuy nhiên, tuyến đường sắt qua đoạn này vẫn ngập sâu trong nước, sạt lở nặng nề.
Tại H.Hải Lăng, nhiều hộ dân hiện đang điêu đứng vì thiệt hại do lũ gây ra. Chị Nguyễn Thị Sa, trú tại thôn Trung Đơn (xã Hải Thành) bần thần nhìn dòng nước dữ: “Nhà có nuôi hai con lợn, định sau khi bán sẽ sửa lại căn nhà. Ai ngờ, nước lũ về nhanh quá, vậy là mất hết rồi…”.
Còn ông Lê Văn Hảo (xóm Càng) mếu máo vì 3 tấn lúa vừa mới gặt xong chìm trong nước hiện đã nảy mầm: “Nước lên nhanh quá, nhà neo người nên tôi cũng chẳng kịp trở tay…”.
Tại thôn Nại Hiệp (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong) người dân trồng sắn cũng bị thiệt hại nặng. Ông Lê Văn (40 tuổi) cho biết: “Hơn 2 ha sắn chuẩn bị thu hoạch mấy ngày ngâm nước nên đã thối hết, cho heo ăn nó còn chê…”.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Trị đã huy động lực lượng công an, quân đội và thanh niên xung kích ở các địa phương cùng hành chục ca nô, thuyền để ứng cứu, sơ tán hơn 5.000 hộ dân ở vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương cũng triển khai công tác đảm bảo an toàn các hồ đập, thủy lợi; chuẩn bị 54 tấn gạo, 24.000 thùng mì ăn liền, 18.000 chai nước, 10.000 lít xăng, 19.000 lít dầu sẵn sàng cung ứng khi cần.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nguyễn Phúc - Nguyên Thọ
(thực hiện)
Bình luận (0)