Trưa 25.10, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết từ sáng 25.10, trên địa bàn đã hết mưa, mực nước trên các sông lớn đã về dưới báo động 1; tại các điểm ngập lụt nước đã rút. Thiệt hại đối với ngành giao thông đang được thống kê, đặc biệt là ở khu vực miền núi.
Trong đó, ở tuyến QL15D, đất, đá sụt ta luy dương và chảy tràn ra mặt đường (tại cầu tràn ĐaKrông - Km0+307; Cầu La Hót - Km1+094; Km1+700; Km2+450; Km2+500; Km2+980; Km7+400; Km9+400; Km9+530 và một số vị trí trên tuyến), với khối lượng khoảng 750 m3. Đất, đá lấp tắc rãnh dọc (tại vị trí sụt ta luy dương Km9+360 và hố thu cống Km8+400), với khối lượng khoảng 250 m3.
Ở tuyến đường ĐT.585, đất sụt ta luy dương tại Km3+850 với khối lượng khoảng 120 m3. Tuyến đường ĐT.588a, đất chảy tràn ra mặt đường tại Km4+350; Km5+323 ÷ Km5+610 và một số vị trí trên tuyến với khối lượng khoảng 350 m3. Tuyến đường Hướng Tân đi Hướng Linh (địa bàn xã Hướng Tân) bị sạt lở nhẹ.
Nghiêm trọng nhất là ở tuyến đường tuần tra biên giới Sa Trầm - Pa Linh (xã Pa Nang, H.Đakrông) bị xói lở, cuốn trôi mặt đường và nền đường khoảng 10 m, rộng 7 m, sâu 5 m, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 350 m3... Hiện tại, giao thông ở vị trí này hoàn toàn tê liệt. Chính quyền, ngành chức năng và người dân đang làm cầu tạm để bắc qua đoạn xói lở.
Ông Lê Đại Lợi, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông cho biết đã dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế sạt lở tuyến đường biên giới Sa Trầm - Pa Lin.
Theo ông Lợi, sạt lở khiến 40 hộ dân thôn Ra Poong (xã Ba Nang) và 30 hộ dân thôn Ngược (xã Tà Long) bị chia cắt hoàn toàn. Huyện đang huy động lực lượng tại chỗ gồm biên phòng, dân quân và người dân bắc cầu tạm cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, học sinh đi học. Về lâu dài, H.Đakrông giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện lên phương án sửa chữa, khắc phục.
Xem nhanh 12h ngày 25.10: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)