"Nhìn thẳng vào Quảng Trị"
Trong Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị về việc thực hiện Nghị quyết 57 do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Long Hải, cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tỉnh Quảng Trị, ký ban hành ngày 24.2, đã "nhìn thẳng" vào Quảng Trị. Rằng những năm qua dù đã được quan tâm, nhưng hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở tỉnh Quảng Trị được tổ chức sâu rộng
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Chính việc xác định mình đang ở điểm xuất phát thấp, Quảng Trị đã đưa ra hàng loạt chương trình hành động mạnh mẽ để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra theo Nghị quyết 57. Ngay trong phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tỉnh Quảng Trị ngày 14.3, ông Nguyễn Long Hải đã một lần nữa nhấn mạnh Nghị quyết 57 là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS; Phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn bộ máy. Ông Hải yêu cầu các Sở, ban ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, phải đưa vào chương trình công tác trọng tâm năm 2025 của mỗi đơn vị và phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Ngân hàng số di sản văn hóa tỉnh Quảng Trị hỗ trợ du lịch thông minh của Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị được vinh danh tại sự kiện Viet Nam Digital Awards 2023
ẢNH: TUẤN ANH
"Kim chỉ nam" đến với kỷ nguyên vươn mình
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đã khẩn trương chủ trì/phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, tham mưu Đảng ủy UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết 57.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ cần thực hiện, tạo khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tại Quảng Trị. Bao gồm: Hoàn thiện, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS; Thực hiện KHCN, ĐMST và CĐS trong hoạt động của cơ quan trong hệ thống chính trị; Ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS đối với doanh nghiệp; Phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Vườn Lan Hồ điệp công nghệ cao trên đèo Sa Mù là 1 điển hình trong ứng dụng IOT, đổi mới sáng tạo ở Quảng Trị
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Theo Ban Chỉ đạo phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 này, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, địa phương cũng cần sớm triển khai xây dựng, công bố danh mục các lĩnh vực, công nghệ chiến lược, các dự án trọng điểm… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số, đồng bộ dữ liệu về Trung tâm dữ liệu tỉnh; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển công nghệ chiến lược, hạ tầng số mới; xây dựng, triển khai Đề án chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực và các địa phương; xây dựng Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2026 – 2030...
Sử dụng máy bay không người lái sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tỉnh Quảng Trị cho biết với sự đột phá của Nghị quyết 57, trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", Quảng Trị bước đầu quyết liệt triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết. Theo ông Lân cần phải tiếp tục phát triển KHCN, ĐMST và CĐS vì đó là "kim chỉ nam", để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Và Quảng Trị cũng sẽ không đứng ngoài "cuộc đua" để bị tụt lại phía sau…
Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị đến năm 2030
- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 55%. Tăng dần tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu hàng năm.
- Quy mô kinh tế số phấn đấu đạt 20% GRDP.
- Bố trí kinh phí hàng năm đảm bảo 3% tổng chi ngân sách địa phương cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
- Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp phấn đấu đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt phấn đấu đạt trên 80%.
- 80% người dân có tài khoản thanh toán điện tử. 40% doanh nghiệp trong tỉnh có hoạt động đổi mới sáng tạo. 100% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị.
- Hình thành 2-3 sản phẩm công nghệ chủ lực; thu hút được 1-2 dự án công nghệ cao. KHCN, ĐMST và CĐS đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh duy trì trên 0,7.
- Nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN, ĐMST và CĐS đạt 10 người trên một vạn dân.
- Số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng hằng năm, tỉ lệ khai thác thương mại phấn đấu đạt 8-10%.
- Cơ bản phủ sóng 5G toàn tỉnh…
Bình luận