Quất cảnh Tứ Liên hứa hẹn 'trúng đậm' dịp tết Nguyên đán

30/12/2022 06:00 GMT+7

Vào những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần 2022, làng quất cảnh Tứ Liên (P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ, Hà Nội ) trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Nhà vườn tất bật chăm sóc, cắt tỉa những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng phục vụ thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Giá tăng cao, chưa tết đã bán hết nửa vườn

Đến làng quất Tứ Liên vào dịp này, có thể thấy tại hầu hết vườn quất đều tấp nập người mua, kẻ bán. Với lượng đặt mua từ sớm và thời tiết thuận lợi như hiện tại, các nhà vườn kỳ vọng thị trường quất năm nay sẽ sôi động.

Những chậu quất bắt đầu ngả vàng và chín dần, sẵn sàng phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân

Đình Huy

Theo ghi nhận của Thanh Niên, đa số quất cảnh tại các nhà vườn đều đẹp, quả to tròn, lá xanh, dáng chuẩn rất bắt mắt. Những chùm quất đang ngả dần từ xanh sang vàng báo hiệu một mùa bội thu.

Đa số chủ vườn đều nhận định, thời tiết năm nay thuận lợi, quất sẽ chín đúng dịp tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhờ sức mua của khách hàng trở lại bình thường sau ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá quất sẽ tăng từ 20 - 40% so với năm ngoái. Hiện nay, có những nhà vườn đã bán được tới 1/2 tổng số cây.

Để phục vụ nhu cầu thị trường tết Quý Mão 2023, năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Mai (chủ vườn quất Mai Lâm) cho ra khoảng 500 gốc quất, phần lớn được đặt sẵn trong các bình gốm với nhiều kích cỡ. Giá thành dao động từ 500.000 đồng/gốc đến hơn 10 triệu đồng/gốc, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.

Lý giải cho việc quất Tứ Liên tăng giá, bà Mai cho rằng, có nhiều nguyên nhân như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá thuê nhân công đều tăng nên các nhà vườn buộc phải tăng giá để cân bằng chi phí. Ngoài ra, các cây quất năm nay đẹp và chất lượng hơn mọi năm.

“Vườn nhà tôi đã bán được khoảng 250 gốc. Hết dịch là bà con tiêu thụ bình thường, thị trường khá hơn năm trước”, bà Mai nói.

Để có những chậu quất đẹp phục vụ thị trường tết, các nhà vườn phải bỏ nhiều công sức chăm sóc trong cả năm. Với những cây quất bonsai, do trồng trong chậu nên đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn. Các chủ vườn chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo cây được cung cấp đủ dưỡng chất. Những cây quất đẹp phải đảm bảo có cả quả chín vàng và quả xanh, vừa có lộc, vừa có hoa, tượng trưng cho sự đầy đủ, phú quý.

Cách vườn quất của bà Mai không xa là vườn quất của gia đình ông Lê Dũng (62 tuổi). Ông Dũng cho biết, đến nay, ông đã có 40 năm trồng quất. “Vườn nhà tôi hiện được khách đặt khoảng 15 - 20%, các cây có giá từ 2 - 10 triệu đồng tùy dáng, gốc và kích thước cây. Nhìn chung, thị trường quất năm nay khởi sắc hơn, lợi nhuận thu được từ quất ổn định hơn sau 1 năm lao đao vì dịch bệnh”, ông Dũng phấn khởi.

Nhân công “được mùa” thu nhập

Theo người trồng quất Tứ Liên, thời điểm hiện tại, phần lớn công việc chăm sóc, uốn nắn quất thế gần như đã hoàn tất. Quất nhiều vườn đã chín vàng, một số đang đổi màu, chỉ chờ tết đến để bung hàng. Để có được những cây quất thế đẹp, chín vàng đều, quả to vào đúng dịp tết, từ đầu tháng 1 âm lịch, mỗi ngày các chủ vườn phải chi tiền triệu thuê nhân công uốn cây.

Chị Đỗ Minh Hiếu (chủ vườn quất Minh Hưng) cho hay, trồng quất bonsai cần nhiều thời gian chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Năm nay, giá thuê nhân công cao khoảng 600.000 đồng/công/ngày nên gia đình chị tự làm hết các công đoạn như cắt tỉa, uốn nắn.

Tương tự, chủ vườn quất cảnh Dũng Dung cho biết, từ giữa tháng 12 âm lịch, ông phải thuê hàng chục người người uốn nắn, vận chuyển. Tùy theo mức độ công việc nặng, nhẹ, tay nghề cao, thấp để trả lương. Người làm kỹ thuật uốn nắn thì được trả 50.000 - 100.000 đồng/cây, tùy kích cỡ. Những công việc nặng như đánh quất lên chậu và vận chuyển nhận khoảng 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Như vậy, nhà vườn lớn với hàng nghìn cây quất, lúc cao điểm phải bỏ ra cả chục triệu đồng mỗi ngày chỉ để trả lương cho nhân công.

Là người làm nghề lái xe ba gác, ông Nguyễn Bá Tùng (trú Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, từ giữa tháng 12 âm lịch ông đều gác lại mọi việc khác để đi chở quất, đào tết thuê tại các nhà vườn. Đây là thời điểm các nhà vườn cần một lượng lớn lao động thời vụ nên không chỉ riêng ông, nhiều lao động từ các tỉnh lẻ cũng đổ về Hà Nội tìm việc làm thêm.

“Thời điểm này, một số chủ vườn quen đã gọi điện nhờ tôi chở quất sớm, tuy nhiên, bận rộn nhất vẫn là dịp cận tết. Vào ngày cao điểm, thu nhập mỗi ngày được từ 1 - 2 triệu đồng. Chúng tôi đều tận dụng mấy ngày này kiếm tiền tiêu tết", ông Tùng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.